Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) vừa tiếp nhận và điều trị cho một nữ bệnh nhân bị bỏng niêm mạc họng do ăn củ ráy để chữa bệnh đau xương khớp. May mắn là người bệnh chỉ ăn với số lượng ít và được đưa đến bệnh viện kịp thời.Ngộ độc sau ăn củ ráy chữa xương khớpTheo thông tin từ gia đình cung cấp khi đưa bệnh nhân vào viện, do đọc được thông tin trên mạng xã hội rằng ăn củ ráy có thể chữa được bệnh đau xương khớp, nữ bệnh nhân 54 tuổi (trú tại thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) đã mua củ ráy về luộc ăn.Sau khi ăn, người bệnh cảm thấy bỏng rát vùng lưỡi, miệng, nuốt đau nên nhanh chóng đến khám tại Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí và cho kết quả bỏng niêm mạc họng miệng.Các bác sĩ cho biết do người bệnh sử dụng số lượng củ ráy ít nên chỉ gây bỏng niêm mạc họng miệng. Nếu người bệnh ăn với số lượng nhiều hơn, lâu hơn có thể gây bỏng niêm mạc thực quản, dạ dày; từ đó kéo theo rất nhiều hệ lụy ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người bệnh.Cũng theo bác sĩ, củ ráy có hình tròn, thân cây trông gần giống với cây môn. Khi tiếp xúc với miệng, củ ráy sẽ phóng thích ra chất độc tác dụng lên niêm mạc miệng, môi, lưỡi gây nóng rát và viêm. Nếu ăn nhiều, người ăn có thể bị sưng môi, lưỡi gây khó nói, khó nuốt hay khó thở, thậm chí tử vong.Củ ráy có thể gây ngộ độc, tử vong nếu ăn phải. (Ảnh do bệnh viện cung cấp)Trước sự việc trên, các bác sĩ khuyến cáo người dân hãy thận trọng với những bài thuốc dân gian, truyền miệng hay các bài thuốc trên mạng xã hội. Những bài thuốc này chưa được khoa học kiểm chứng về dược tính để chữa bệnh được hay không. Nhiều người bệnh khi sử dụng các bài thuốc này chẳng những bệnh tình không thuyên giảm mà còn kéo theo rất nhiều tác dụng phụ, khiến bệnh càng nghiêm trọng hơn. Do đó, mọi người hãy đến bệnh viện thăm khám bệnh và nghe tư vấn cũng như sử dụng thuốc theo đơn của bác sĩ.Không tự ý làm thuốc chữa bệnhTheo Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế, cây ráy thường bị nhầm lẫn với cây dọc mùng (bạc hà), điều này dẫn tới nhiều trường hợp nhập viện trong tình trạng ngộ độc, sưng lưỡi, méo miệng do ăn nhầm phải cây ráy. Cây ráy là loại cây thân mềm, đại độc, thường mọc dại quanh khu vực đất ẩm ướt. Thông thường, ngay cả khi sơ chế sạch phần thân cây này thì một số phản ứng như gây tê môi, lưỡi, sưng miệng lúc ăn vẫn xảy ra. Người ta đã chiết xuất và tìm ra trong cây ráy có nhiều thành phần hóa học như: Alkaloid, alkaloid piperidin, lignanamid, anthocyanin… Ngoài ra, cây ráy còn chứa canxi oxalat hay còn gọi là raphite – một tinh thể không hòa tan. Chất này có trong nhựa cây gây kích ứng, bỏng da, sưng khi tiếp xúc, đặc biệt là phần lưỡi, miệng, môi… Do đó, tự ý sử dụng củ ráy chữa bệnh xương khớp có thể dẫn đến tai biến – nhẹ thì bỏng rát vùng lưỡi, miệng, nuốt đau gây bỏng niêm mạc họng miệng; nặng hơn có thể gây phù nề thanh quản, ngừng hô hấp và tử vong.Theo đông y, củ ráy có tính hàn và chứa nhiều độc tố. Nếu ăn củ ráy chưa được chế biến có thể sẽ bị ngứa trong miệng và cổ họng. Trong y học cổ truyền, củ ráy có rất nhiều tác dụng như: thanh nhiệt, giải độc, tiêu đờm, bình suyễn, giảm đau. Ngoài ra, thân rễ cây ráy còn được sử dụng để chữa các bệnh ngoài da như nổi mề đay, ghẻ, những vết thương ngoài da hoặc rắn cắn. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lưu ý nếu chế biến các vị thuốc y học cổ truyền từ củ ráy cần được thực hiện bởi người có chuyên môn, không nên tự ý chế biến tại nhà, tránh nguy hiểm khi tiếp xúc và dùng thuốc khi chưa chế biến kỹ. Nếu vô tình ăn phải cây ráy, củ ráy cần bình tĩnh tiến hành sơ cứu bằng cách súc miệng nước muối nhiều lần, sau đó cạo sạch lưỡi nhằm loại bỏ độc tố bám trên bề mặt lưỡi. Đồng thời uống nhiều nước lạnh để hòa tan lượng độc tố trong cơ thể và giảm cảm giác đau rát lưỡi, khoang miệng. Đối với các trường hợp không quá nghiêm trọng, vẫn có thể ăn uống và hô hấp bình thường thì có thể theo dõi tại nhà. Tuy nhiên, để bảo đảm sức khỏe, nên tới các phòng khám, bệnh viện gần nhất để kiểm tra sau khi ăn nhầm cây ráy.