Gen Z – nhân tố đột phá của start-up

Với sự năng động, sáng tạo và am hiểu công nghệ, Gen Z hoàn toàn có thể là nhân tố đột phá, đóng góp lớn cho sự phát triển của start-up.

Gen Z là thuật ngữ để chỉ những cá nhân sinh trong giai đoạn từ năm 1997 đến năm 2022 – thế hệ đầu tiên lớn lên với sự phát triển của Internet cùng các thiết bị kỹ thuật số và điện tử. Tại Việt Nam, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2019, số lượng Gen Z trong độ tuổi lao động (từ 15 tới 24 tuổi) khoảng 13 triệu người. Tới năm 2025, Gen Z dự kiến chiếm 1/3 dân số trong độ tuổi lao động tại Việt Nam, có ảnh hưởng lớn tới thị trường lao động nói chung cũng như giới start-up nói riêng.
Theo các chuyên gia, Gen Z sở hữu nhiều đặc điểm quan trọng, phù hợp với hành trình phát triển của start-up. Vì được tiếp cận Internet từ sớm, nên thế hệ Gen Z dễ dàng đón nhận sự đổi mới liên quan đến công nghệ. Khi bước chân vào giai đoạn thực tập hay làm việc trong các start-up, họ nhanh chóng bắt kịp công việc và doanh nghiệp không cần mất quá nhiều thời gian, nguồn lực để hướng dẫn họ về công nghệ. Điều này sẽ là lợi thế với những doanh nghiệp non trẻ như start-up, vốn hạn chế cả về tài chính lẫn nhân lực .
Một điểm đáng chú ý là nhiều xu hướng, trào lưu nổi bật hiện nay do Gen Z tạo ra. Những ý tưởng sáng tạo nội dung độc đáo của Gen Z có thể giúp start-up đạt hiệu quả marketing bất ngờ, tăng sức mạnh thương hiệu mà không cần tốn quá nhiều chi phí.
Ngoài ra, thế hệ Gen Z có khả năng tiếng Anh vượt trội hơn hẳn so với Gen Y (những người được sinh ra trong khoảng thời gian từ năm 1981 đến năm 1996) và Gen X (những người được sinh ra trong khoảng thời gian từ năm 1965 đến năm 1980), thậm chí, nhiều người trong thế hệ này sở hữu nhiều hơn 2 ngoại ngữ. Nguồn lao động giỏi ngoại ngữ như Gen Z sẽ giúp start-up tự tin làm việc với các đối tác, khách hàng nước ngoài, đồng thời dễ dàng mở rộng hoạt động ra thị trường quốc tế.
Gen Z với sức trẻ và sự nhiệt huyết sẽ mang tới nguồn năng lượng tích cực cho start-up. Các nhân sự Gen Z thường có rất nhiều ý tưởng và không ngại thể hiện bản thân, hứa hẹn trở thành hạt nhân khơi dậy văn hóa đổi mới sáng tạo trong start-up.
Dù sở hữu không ít ưu điểm, nhưng Gen Z cũng thường bị gắn mác “không ngại nhảy việc”. Theo một khảo sát của Anphabe, 62% nhân sự Gen Z nhảy việc ngay trong năm đầu tiên; nhiều nhân sự thậm chí còn nhảy việc vài lần trong 1 năm đầu tiên kể từ khi ra trường.
Để tuyển dụng và giữ chân nhân sự Gen Z, trong bối cảnh lương, thưởng còn nhiều hạn chế, start-up nên chú trọng các yếu tố về văn hóa doanh nghiệp, tạo cơ hội để Gen Z được đóng góp ý kiến và ghi nhận sự đóng góp đó. Khi phúc lợi tài chính chưa rõ ràng, nhà sáng lập nên cho Gen Z thấy những lợi thế khác của doanh nghiệp, như cơ hội gặp gỡ, học hỏi kinh nghiệm từ đội ngũ nhân sự đi trước, cơ hội phát triển, khả năng được luân chuyển giữa các phòng ban, lộ trình thăng tiến phía trước…
Đặc biệt, doanh nghiệp nên cân nhắc áp dụng mô hình làm việc “hybrid” (kết hợp giữa online và offline), bởi Gen Z là thế hệ đề cao sự linh hoạt, luôn hướng tới điểm cân bằng giữa công việc và cuộc sống.