Học sinh chạy xe máy: Những rủi ro lớn

17 giờ mỗi ngày, sau giờ tan học cũng là lúc nhiều tuyến đường ở TP HCM xuất hiện hình ảnh các “cô, cậu” trong đồng phục học sinh đầu trần, chở 2-3 phóng nhanh, lạng lách khiến nhiều người sợ hãi.

Vi phạm không đếm xuể

Tại bãi giữ xe Trường THPT Marie Curie (phường Võ Thị Sáu, quận 3) treo bảng “Không nhận giữ xe phân khối lớn cho học sinh”. Tuy nhiên, vẫn nhiều học sinh lái xe phân khối lớn đến trường, ồ ạt phóng ra sau khi rời lớp rồi hòa vào dòng phương tiện đông đúc.

Học sinh chạy xe máy: Những rủi ro lớn - Ảnh 1.

Học sinh Trường THPT Marie Curie (quận 3, TP HCM) giờ tan học. Ảnh: ÁI MY

Đây cũng là thực tế ở Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (phường 4, quận 5). Tại Trường THPT Hùng Vương (phường 12, quận 5) tình trạng trên gây cảm giác lo lắng hơn khi dọc đường Hồng Bàng hàng loạt xe bán hàng rong xen lẫn đủ thứ phương tiện. Ùn tắc xảy ra nhưng dường như không mấy gây khó chịu đối với những học sinh vừa cười nói vừa tận dụng mọi khoảng trống để lách xe lên.

Học sinh chạy xe máy: Những rủi ro lớn - Ảnh 2.

Trước cổng Trường THPT Hùng Vương (quận 5, TP HCM) Ảnh: MINH DIỄM

Còn ở TP Thủ Đức, trước cổng Trường THPT Thủ Đức (phường Bình Thọ) sau 17 giờ cũng là hình ảnh học sinh chở 2, thậm chí 3 người. Cách đó không xa, khu vực gần Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (phường Bình Thọ) cũng thế. Các tuyến đường xung quanh như Hoàng Diệu 2, Võ Văn Ngân liên tục xuất hiện bóng các em phóng xe vun vút. Có em đội mũ bảo hiểm, có em không.

Học sinh chạy xe máy: Những rủi ro lớn - Ảnh 3.

Trước cổng Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP Thủ Đức, TP HCM) Ảnh: ANH VŨ

Giải thích về việc các học sinh chuộng đi xe phân khối lớn khi chưa đủ tuổi, Lê Khánh Vy (16 tuổi, học sinh lớp 11) cho rằng gia đình bận việc nên không thể đưa đón cộng thêm việc xe máy có sẵn nên phụ huynh thường “tặc lưỡi” giao xe. “Vì nếu mua xe 50 cc mà chỉ dùng lúc học THPT sẽ phí, mua xe phân khối lớn các bạn sẽ dùng được lâu dài hơn…” – Vy nói.

Còn Doãn Hạo (17 tuổi, học sinh lớp 12) cho biết sử dụng xe phân khối lớn, giá trị cao thì nhìn “sang và đẹp hơn trong mắt bạn bè”. Tuy nhiên, theo Hạo, khi sử dụng xe trên 50 cc, các bạn chưa có kỹ năng kiểm soát tốc độ, xử lý tình huống. Việc gây tai nạn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng bản thân, của những người khác và liên lụy đến cả gia đình.

Nhiều trường THPT tại TP HCM không trực tiếp quản lý các bãi giữ xe mà cho tư nhân đấu thầu nên việc kiểm soát học sinh đi xe máy thiếu chặt chẽ. “Nhà trường có cấm học sinh điều khiển xe phân khối lớn, nếu bị phát hiện, các bạn sẽ bị lập biên bản…” – một nữ sinh Trường Marie Curie nói về nội quy.

Không chỉ là nguy cơ tai nạn

Theo TS Nguyễn Nữ Nguyệt Anh, Trưởng Khoa Xã hội học – Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP HCM), học sinh cấp II – III ở tuổi thay đổi lớn về tâm sinh lý, các em chưa thật sự trưởng thành về nhận thức nhưng thường tự tin mình đã đủ lớn nên muốn thể hiện bản thân. Học sinh chạy xe máy có dung tích xi-lanh lớn, chở 3 trên đường là biểu hiện muốn gây sự chú ý.

Các em chưa được phổ biến hay chưa hiểu kỹ về luật giao thông nên có hành vi tham gia giao thông thiếu an toàn. Đồng thời, thấy bạn bè làm nên bắt chước để thể hiện cái oai. Để giải quyết vấn đề này cần sự tham gia và đồng thuận từ chính các em, gia đình, nhà trường, truyền thông đại chúng, luật pháp…

Cũng theo TS Nguyễn Nữ Nguyệt Anh, có những phụ huynh biết con mình chở 3 trên xe máy nhưng mặc kệ, không tìm cách nói chuyện giúp con nhận ra lỗi. Một số trường hợp sau khi con đã vi phạm, được nhắc là phải giáo dục thì phản ứng với người nhắc, điều này làm cho trẻ không ý thức rằng mình sai, vô hình trung cổ xúy cho những hành động vi phạm pháp luật, đi ngược với lối sống văn minh, tôn trọng và bảo đảm an toàn cho những người xung quanh. Ở độ tuổi học sinh, đang trong quá trình xã hội hóa cá nhân sâu sắc, các em cần được hướng đến các hoạt động vì cộng đồng thay vì chứng kiến và thực hiện các hành vi thiếu chuẩn mực.

Luật sư Trương Văn Tuấn, Văn phòng Luật sư Trạng Sài Gòn, cho biết Luật Giao thông đường bộ quy định người đủ 16 tuổi trở lên được điều khiển xe máy hoặc các phương tiện tương tự có dung tích xi-lanh không vượt quá 50 cm3. Đến 18 tuổi, công dân mới được lái mô tô hai bánh, mô tô ba bánh có dung tích xi-lanh từ 50 cm3 trở lên.

“Nhiều phụ huynh cưng chiều, yêu thương con nhưng chưa đúng cách. Họ để con chưa đủ tuổi điều khiển xe máy đến trường với suy nghĩ giúp các em di chuyển bớt vất vả hơn thay vì đi xe đạp. Đây là tâm lý cần phải loại bỏ ngay. Điều này giúp tránh bị xử phạt, đặc biệt là phòng ngừa các hậu quả nghiêm trọng, đau lòng” – luật sư Trương Văn Tuấn nói. 

TS Nguyễn Nữ Nguyệt Anh cho rằng trẻ càng có xu hướng tái vi phạm nếu cha mẹ được nhà trường nhắc nhở nhưng vẫn không chịu lưu ý con mà còn phản ứng gay gắt với nhà trường.

Nhiều tai nạn thương tâm

Không ít vụ tai nạn thương tâm liên quan đến học sinh điều khiển xe máy khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe đã xảy ra.

Ngày 12-3-2021 tại Đồng Nai, T.M – học sinh lớp 11, điều khiển xe máy trên Quốc lộ 1 – đã va chạm với xe tải. Tại TP HCM trưa 4-4-2023, nữ học sinh lớp 11 cùng bạn chở nhau trên xe máy đến trường thì xảy ra va chạm với xe container. Ngày 26-5, em Đ.N.N (14 tuổi) điều khiển xe máy chở theo N.N.N.V (14 tuổi) và V.L.P.U (15 tuổi) trên đường ở Cà Mau, không làm chủ được tay lái, tông vào xe tải.

Trong 3 vụ trên, 2 vụ đầu mỗi vụ cướp đi sinh mạng 1 học sinh. Ở vụ thứ 3, Đ.N.N và N.N.N.V tử vong, V.L.P.U bị thương nặng.

Lương Vũ

Những lý do đáng trách

Phòng CSGT Công an TP HCM cho biết đã liên tục ra quân kiểm tra, xử lý đối với học sinh vi phạm khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, tình hình “chưa hạ nhiệt rõ rệt”.

Từ ngày 15-12-2022 đến 6-11-2023, CSGT toàn TP HCM đã lập 3.747 biên bản xử phạt học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ, tạm giữ 3.623 phương tiện. Phổ biến nhất là các lỗi như chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện, không giấy phép lái xe, không đội mũ bảo hiểm…

5-Box-Học-sinh-bị-CSGT-xử-phạt-ở-ngã-tư-Cao-Văn-Lầu---Hậu-Giang-(quận-6,-TP-HCM)

CSGT xử lý học sinh vi phạm ở ngã tư Cao Văn Lầu – Hậu Giang (quận 6, TP HCM) sáng 8-11 Ảnh: ANH VŨ

Nhiều học sinh nói cha mẹ có biết con vi phạm nhưng không cấm. Về lý do “phụ huynh không cấm”, một số học sinh nói rằng do nhà ở xa trường trong khi ba mẹ không thể đưa đón, một số em khác nói “ba mẹ thấy em đủ lớn để tự chạy xe máy”… Đáng nói, có trường hợp học sinh điều khiển xe phân khối lớn khi thấy CSGT đã tăng ga bỏ chạy, gây nguy hiểm cho chính các em lẫn người đi đường khác.

Cũng theo Phòng CSGT Công an TP HCM, các cán bộ, chiến sĩ thường xuyên phát hiện, nhắc nhở hoặc xử phạt đối với các trường hợp phụ huynh chở học sinh không đội mũ bảo hiểm (hoặc thấy CSGT mới đội mũ lên). Thời gian tới, lực lượng CSGT sẽ tiếp tục phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo, ban giám hiệu các trường trong việc quản lý, giáo dục học sinh chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ.

Ý Linh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *