Các bộ trưởng ngoại giao của Jordan, Ai Cập, Ả Rập Saudi, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất và Qatar cũng như đại diện chính quyền Palestine đã thảo luận với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken về cuộc xung đột giữa Israel và Hamas hôm 4-11.
Mục đích của cuộc họp tại thủ đô Amman – Jordan là kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức ở Dải Gaza, cung cấp viện trợ nhân đạo và tìm cách chấm dứt hành động quân sự nguy hiểm.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Jordan cho biết các cuộc thảo luận tập trung vào hậu quả của sự leo thang nguy hiểm đe dọa an ninh khu vực. Jordan là đồng minh thân thiết của Mỹ và có chung đường biên giới với Bờ Tây và Israel. Lo ngại về nguy cơ xung đột lan rộng, Amman đã tăng cường an ninh biên giới và yêu cầu Washington triển khai hệ thống phòng không Patriot.
Người dân Palestine tích trữ nước tại thị trấn Khan Younis, phía Nam Dải Gaza, hôm 2-11 Ảnh: REUTERS
Trước đó một ngày, ông Blinken đã gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và thảo luận về việc ngừng bắn tạm thời, cho phép hàng viện trợ nhân đạo vào Gaza nhiều hơn cũng như bảo đảm việc trả tự do cho các con tin.
Tuy nhiên, sau cuộc gặp, ông Netanyahu cảnh báo sẽ không có “thỏa thuận ngừng bắn tạm thời” ở Gaza trừ khi Hamas thả toàn bộ con tin. Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Anh James Cleverly thúc giục Iran tận dụng ảnh hưởng của mình ở khu vực Trung Đông để ngăn chặn tình hình xấu thêm.
Liên quan đến diễn biến cuộc xung đột, đài phát thanh Al-Aqsa cho hay một máy bay không người lái của Israel đã bắn tên lửa vào nhà của thủ lĩnh chính trị Hamas Ismail Haniyeh ở phía Bắc Gaza. Tuy nhiên, ông Haniyeh đã lưu vong bên ngoài Gaza từ năm 2019 và ngôi nhà hiện do con trai ông sử dụng, theo AP.
Một quan chức cấp cao Mỹ hôm 3-11 nói với đài CNN rằng Israel có thể giảm không kích trong vài ngày tới, sau đó tập trung vào các cuộc tấn công chiến lược trên bộ, với mục tiêu phá hủy hệ thống đường hầm được nhóm vũ trang Hamas sử dụng ở Gaza.
Theo báo Guardian (Anh), cuộc khủng hoảng nhân đạo có nguy cơ trầm trọng hơn khi những người dân Palestine sơ tán đến miền Nam Gaza đang phải xếp hàng nhiều giờ để nhận nước dù bị ô nhiễm.
Nước sạch ngày càng khan hiếm tại Gaza sau khi Israel áp đặt hạn chế về nguồn cung cấp nước và nhiên liệu. Theo Liên Hiệp Quốc, không có đường ống nước nào từ Israel vào Gaza còn hoạt động trong khi đường ống tại các thị trấn phía Nam là Rafah và Khan Younis đang rò rỉ.
Trong nỗ lực tăng cường viện trợ, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Kamikawa Yoko hôm 3-11 công bố khoản viện trợ 65 triệu USD dành cho Dải Gaza, đồng thời cam kết tiếp tục ủng hộ giải pháp hai nhà nước.
Tính đến nay, hơn 1.400 người Israel và hơn 9.220 người Palestine đã thiệt mạng kể từ khi xung đột bùng phát hôm 7-10.