Ngành game Việt Nam có nhiều tiềm năng nhưng đang vấp phải nhiều lực cản “không đáng có” khiến ngành không phát triển đúng mức. Đây là nhận định của ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) về ngành game tại Diễn đàn quốc gia ngành Game Việt năm 2023 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) tổ chức ngày 31-10.
Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (thứ hai từ trái sang), dự diễn đàn ngày 31-10
Theo ông Lê Quang Tự Do, lực cản đầu tiên là ngành game đang bị phân mảnh giữa sản xuất game và phát hành game. “Có một thực trạng người Việt Nam sản xuất game cho nước ngoài chơi, trong khi người Việt lại đi mua game nước ngoài về để chơi. Do đó, có tới 88% game phát hành ở Việt Nam là của nước ngoài” – ông Lê Quang Tự Do nhấn mạnh và cho rằng nhiều nhân tài ngành game Việt Nam đang “ẩn mình”.
Bên cạnh đó, ngành phù hợp để đẩy mạnh phát triển trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, có thể dễ dàng thu ngoại tệ khi sản xuất game và phát hành trên các nền tảng xuyên biên giới, nhưng lại nhận sự định kiến từ xã hội. Theo Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử, vẫn còn những cách nhìn ngành game là tệ nạn.
Cũng theo ông Lê Quang Tự Do, những người đi học ngành game cũng còn tâm lý e ngại vì định kiến, do đó đang thiếu hụt nguồn nhân lực. Tuy nhiên, đã xuất hiện các tín hiệu tích cực khi theo Cục trưởng Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử, khoảng 1 năm trở lại, bắt đầu các lực cản trên đã vỡ dần, có nhiều góc nhìn mới về game theo hướng tích cực.
Về phía Bộ Thông tin và Truyền thông, để thúc đẩy ngành game phát triển, ông Lê Quang Tự Do cho biết Bộ đang xây dựng cơ chế để hỗ trợ, kết nối cách doanh nghiệp trong ngành. Theo đó, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ hỗ trợ kết nối giữa các nhà sản xuất game và phát hành game với nhau.
Đồng thời, hỗ trợ kết nối các nhà sản xuất game trong nước với các doanh nghiệp game nước ngoài. Một giải pháp quan trọng khác được Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai là hỗ trợ các nhà sản xuất game trong nước kết nối với các nhà đầu tư, quỹ đầu tư nước ngoài.
“Với sự tham gia của cơ quan Nhà nước, các dự án game sẽ có thêm “bảo chứng”, từ đó tăng độ tin cậy với các quỹ đầu tư”- ông Lê Quang Tự Do nhấn mạnh.
Tại diễn đàn, ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc NIC, cho biết NIC xác định truyền thông số và ngành công nghiệp game là 1 trong 8 lĩnh vực trọng tâm sẽ giúp Việt Nam có những bước phát triển đột phá, góp phần vào công cuộc đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
“10 năm qua, ngành công nghiệp game Việt Nam có những bước tiến vượt bậc. Chúng ta thấy điều này qua những con số, doanh thu ngành game Việt Nam đã vượt 500 triệu USD và đứng thứ 5 tại Đông Nam Á, hơn một nửa dân số Việt Nam tiếp cận giải trí với sản phẩm game” – ông Huy cho hay.
Hệ sinh thái ngành game Việt cũng đã từng bước có một số tên tuổi dẫn đầu như VNG, Amanotes, Sky Mavis, Appota, VTC… trong đó có những tên tuổi mang tầm quốc tế như Amanotes và Sky Mavis. Ngành Games cũng tạo ra nhiều việc làm có giá trị kinh tế cao và sức cạnh tranh toàn cầu trong mảng lập trình game, thiết kế game, đồ họa game…
Tuy nhiên, theo ông Vũ Quốc Huy, ngành game Việt tuy có một số doanh nghiệp game phát triển nhanh nhưng xét toàn ngành thì vẫn chậm, chưa hình thành một hệ sinh thái game thực sự, các công ty không đi cùng nhau nên không tận dụng được lợi thế của nhau.
Giám đốc NIC nhấn mạnh để cho ngành game Việt thực sự trở thành một ngành công nghiệp giá trị cao và có sức cạnh tranh trên thế giới, tạo ra nhiều việc làm chất lượng cao, giá trị kinh tế lớn thì cần xây dựng được một đội ngũ nhân sự chất lượng quốc tế và một hệ sinh thái đa dạng, gắn kết, hỗ trợ lẫn nhau.