Phó Chủ tịch HANSIBA: Nghị quyết số 41-NQ/TW là “kim chỉ nam” để doanh nghiệp, doanh nhân vững tin phát triển cùng đất nước

Chia sẻ với MarketTimes, ông Nguyễn Vân – Phó Chủ tịch Tập đoàn N&G Group, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (HANSIBA) cho rằng việc phát triển kinh tế – xã hội của đất nước đã được minh chứng qua mấy chục năm đổi mới có sự đóng góp rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân. Điều này đã được Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm, “vun trồng”, “kiến tạo” bằng những quyết sách lớn.

Cụ thể là Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 09/12/2011 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký, ban hành.

Tiếp đó tại bản Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 2013 Điều 51 Khoản 1 của Hiến pháp tuyên bố: “Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế; kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo”.

Đó là những “cú hích” có sức nặng pháp lý cơ bản, quan trọng và xuyên suốt thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam hội nhập và phát triển.

Đáng chú ý, theo ông Nguyễn Vân, ngày 10/10/2023 vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW “về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới”. Đó là “kim chỉ nam”, là “kinh thư” vô giá để đội ngũ Doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam vững tin và tiến bước cùng các giai tầng xã hội chung lòng dựng xây Tổ quốc hùng cường, phát triển.

Dưới góc độ Hiệp hội HANSINBA, ông Nguyễn Vân nhận định với “tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế” của Đất nước như ngày nay, với thị trường có độ mở lớn của Việt Nam, cùng sự hỗ trợ, quan tâm của Chính phủ, Bộ ngành và các cấp chính quyền địa phương trợ giúp doanh nghiệp “phục hồi” sau đại dịch covid.19 và khó khăn trong bối cảnh chiến tranh thương mại quốc tế.

“Doanh nghiệp Việt hoàn toàn có cơ hội, bản lĩnh, niềm tin để chiếm lĩnh thị phần lớn trong nước còn bỏ ngỏ, tiến tới tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu. Qua đó, đóng góp sớm đưa đất nước trở thành quốc gia có nền kinh tế phát triển cao theo đúng hướng chỉ đạo”, ông Nguyễn Vân chia sẻ.

Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, trong 9 tháng năm 2023, tổng vốn đầu tư từ các dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đạt mức hơn 20 tỉ USD, tăng 7,7% tỉ USD so với năm 2022. Thủ đô Hà Nội tiếp tục dẫn đầu cả nước với ước đạt hơn 2,5 tỉ USD.

Trong bối cảnh đó, theo ông Vân, Hiệp hội doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) Thành phố Hà Nội (HANSIBA) – tổ chức Hiệp hội quy tụ hàng trăm doanh nghiệp, doanh nhân hoạt động sản xuất kinh doanh sản phẩm, lĩnh vực CNHT đầu tiên trên địa bàn cả nước đã liên tục nỗ lực làm việc và triển khai hợp tác cụ thể với nhiều “ông lớn” FDI toàn cầu cũng như đóng góp tích cực trong việc xây dựng hanhg lang pháp lý cho sự phát triển của CNHT.

san_pham_cong_nghiep_ho_tro__2.jpg
Công nghiệp hỗ trợ được xem là chìa khóa quan trọng để Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu hiện nay. Ảnh minh họa.

Cũng theo ông Nguyễn Vân, từ ngày thành lập, Hiệp hội HANSIBA với trọng tâm là KCN hỗ trợ Nam Hà Nội (HANSSIP) có chủ đầu tư là Tập đoàn N&G Group – đơn vị sáng lập và điều hành HANSIBA đã duy trì thường xuyên các hoạt động thúc đẩy, hỗ trợ cho các doanh nghiệp thông qua sự hợp tác với các đối tác quốc tế có nền công nghiệp phát triển, có chuỗi sản xuất toàn cầu với nền công nghệ cao gắn với 17 mục tiêu phát triển bền vững.

“Doanh nghiệp, doanh nhân phát triển chính là chìa khóa, giấy thông hành để các doanh nghiệp thành viên phát triển tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu và vươn lên cùng Thủ đô và Đất nước trước vận hội mới, trong nhiệm vụ chung đưa Tổ quốc Việt Nam hùng cường, giàu mạnh”, ông Nguyễn Vân chia sẻ với MarketTimes.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *