Sáng 8-11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã báo cáo giải trình, làm rõ các vấn đề và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) trong khoảng thời gian 70 phút.
Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ
ĐB Dương Khắc Mai (Đắk Nông) đánh giá cao công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế thời gian qua đã góp phần quan trọng thu hút nguồn lực, thúc đẩy thương mại đầu tư, đặc biệt là nâng cao vị thế, uy tín của đất nước. Ông đề nghị Thủ tướng cho biết định hướng chiến lược, nhiệm vụ, giải pháp trong năm 2024 và thời gian tới để thích ứng với tình hình quốc tế đã và đang diễn biến phức tạp, bất định.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam đang thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn bè tốt với tất cả các nước trên thế giới và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. “Việt Nam cũng xác định thứ tự ưu tiên cho nước láng giềng, bạn bè truyền thống, các nước lớn, đạt được hiệu quả quan trọng” – Thủ tướng nhấn mạnh.
Đây là điểm sáng để tạo môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển và thu hút nguồn lực đầu tư, công nghệ, quản trị, đào tạo nhân lực; góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất và hiệu quả.
Theo Thủ tướng, vừa qua Việt Nam đã nâng cấp quan hệ với các nước, thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, chiến lược toàn diện với 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và các nước G20. Đây là những nước có vị trí, vai trò quan trọng, nguồn lực, công nghệ tiên tiến. Năm 2024, Chính phủ tiếp tục xây dựng chương trình đối ngoại, hội nhập kinh tế quốc tế; triển khai chủ trương của Đảng, Ban Bí thư về kinh tế đối ngoại để huy động sức mạnh kiều bào.
Trong báo cáo giải trình, làm rõ các vấn đề và trả lời chất vấn của ĐBQH, cập nhật về phát triển kinh tế, Thủ tướng cho biết lạm phát tiếp tục được kiểm soát; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 10 tháng tăng 3,2%. Khu vực công nghiệp phục hồi tích cực, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 10 tăng 5,5% so với tháng trước và tăng 4,1% so với cùng kỳ. Xuất khẩu nông sản 10 tháng đạt trên 43 tỉ USD, riêng gạo đạt gần 4 tỉ USD với 7,12 triệu tấn. Kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 10 đạt 61,6 tỉ USD, tăng 4,1% so với tháng trước; tính chung 10 tháng đạt khoảng 558 tỉ USD, xuất siêu 24,61 tỉ USD. Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt gần 25,8 tỉ USD, tăng xấp xỉ 15% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, kinh tế – xã hội còn những hạn chế, sản xuất kinh doanh vẫn khó khăn. Thị trường lao động, việc làm trong một số lĩnh vực suy giảm; tỉ lệ thất nghiệp trong thanh niên cao; thiên tai, bão lũ, sạt lở đất tiếp tục ảnh hưởng lớn đến khu vực miền Trung.
“Chúng ta phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch năm 2023, trong đó tăng trưởng GDP đạt trên 5%, tạo đà cho việc thực hiện kế hoạch năm 2024” – Thủ tướng nói. Thủ tướng cũng cho biết Chính phủ tập trung giải pháp thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng chính về đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu. Các bộ, ngành, địa phương tăng cường rà soát, xử lý vướng mắc pháp lý, nhất là về định giá đất, nhà ở, bất động sản, quy hoạch, đấu thầu; rà soát, đơn giản hóa điều kiện, quy định kinh doanh, quy trình thủ tục về thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư, xây dựng; các thủ tục hành chính liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp (DN).
Đã có 560.000 tỉ đồng để thực hiện cải cách tiền lương
ĐB Văn Thị Bạch Tuyết, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP HCM, đề nghị Thủ tướng cho biết việc bố trí ngân sách thực hiện chế độ tiền lương mới từ ngày 1-7-2024 và xây dựng các cơ chế, chính sách liên quan sẽ được Chính phủ triển khai như thế nào?
Trả lời, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ tiền lương là vấn đề được cử tri, QH rất quan tâm. Tiền lương góp phần tái tạo sức lao động, đồng thời cũng là động lực để người lao động phấn đấu đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế – xã hội. Về chủ trương, Thủ tướng cho biết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết 27 năm 2018 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong DN.
Theo Thủ tướng, vừa qua chúng ta chưa thực hiện được chính sách cải cách tiền lương do nguồn lực còn khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Dù vậy, Chính phủ đã triển khai nhiều biện pháp tăng thu giảm chi, tiết kiệm các khoản để tạo nguồn cho cải cách tiền lương. Đến nay, ngân sách đã có khoảng 560.000 tỉ đồng để thực hiện cải cách tiền lương từ tháng 7-2024 đến hết năm 2026.
Song song với cải cách tiền lương khu vực nhà nước, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng chính sách tiền lương khu vực ngoài nhà nước. Theo Thủ tướng, định hướng xây dựng chính sách tiền lương cho công chức, viên chức khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước tiệm cận với nhau theo tinh thần Nghị quyết 27 của Trung ương.
Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ chỉ đạo các bộ ngành, cơ quan liên quan hoàn chỉnh vị trí việc làm, thực hiện tinh giản biên chế gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy. Đồng thời tiết kiệm các khoản chi để tạo nguồn cải cách tiền lương.
Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM, chất vấn Thủ tướng tại hội trường. Ảnh: PHẠM THẮNG
Ba đột phá chiến lược
ĐB Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) cho rằng ngay từ những ngày đầu nhận nhiệm vụ, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã xác định cải cách thể chế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ cải cách quan trọng nhất và trọng tâm nhất ở đây là gì? Bên cạnh đó, thủ tục hành chính vẫn còn rườm rà và sức ì của một bộ phận cán bộ, công chức đang cản trở sự phát triển. “Nếu được xếp thứ tự ưu tiên 3 vấn đề quan trọng nhất trong thời gian tới, Thủ tướng sẽ chọn vấn đề và giải pháp gì để xử lý những tồn tại nêu trên?” – ĐB Hoa đặt câu hỏi.
ĐB Trần Thị Kim Nhung (Quảng Ninh) cũng chất vấn Thủ tướng về việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính quy định về điều kiện kinh doanh gây khó khăn, tăng chi phí cho người dân, DN.
Trả lời, Thủ tướng cho rằng cải cách quan trọng nhất là thể chế. Theo người đứng đầu Chính phủ, chọn 3 đột phá chiến lược tức là chúng ta đã ưu tiên nhưng chọn cái nào hơn cái nào thì phải hài hòa, hợp lý. Tháo gỡ được thể chế thì tháo gỡ được nguồn lực; phát triển được hệ thống hạ tầng thì tạo sức cạnh tranh cho hàng hóa, giảm chi phí logistics; nguồn nhân lực là quan trọng. “Cả 3 cái này chúng ta đều đang tiến hành và tôi nghĩ phải hài hòa, hợp lý” – Thủ tướng nói. Thủ tướng cho rằng tùy thuộc vào hoàn cảnh cụ thể trong từng giai đoạn để lựa chọn cái nào là ưu tiên, cái nào ưu tiên hơn và cái nào vẫn triển khai theo tinh thần của Đảng là 3 đột phá chiến lược.
Về cắt giảm chi phí cho DN, Thủ tướng thừa nhận hiện nay thủ tục hành chính rườm rà, gây tăng chi phí cho DN. Bên cạnh đó, thái độ của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức xử lý công việc theo thẩm quyền còn đùn đẩy, sợ trách nhiệm. “Chúng ta phải tăng cường công tác tuyên truyền; đối với cán bộ, công chức phải bảo đảm lợi ích tinh thần, vật chất cho họ. Trên cơ sở đó, họ bảo đảm nhiệm vụ, chức trách được giao một cách tốt hơn” – Thủ tướng nói. Thủ tướng cho rằng giải pháp căn cơ vẫn là liên quan đến tinh thần trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu; năng lực cán bộ xử lý cắt giảm các thủ tục hành chính, tăng chế tài xử lý.
Hôm nay (9-11), QH thảo luận ở hội trường về việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53/2017/QH14 về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sân bay Long Thành; thảo luận về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ; biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024.
Khắc phục những tồn tại, yếu kém
Phát biểu kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ cho biết sau 2 ngày rưỡi làm việc, đã có 457 lượt ĐBQH đăng ký tham gia chất vấn; 152 lượt ĐBQH đã thực hiện quyền chất vấn, trong đó có 39 lượt ĐB tranh luận. Lần đầu tiên trong nhiệm kỳ khóa XV, Thủ tướng, tất cả các Phó Thủ tướng Chính phủ và 21 bộ trưởng, trưởng ngành đã trực tiếp trả lời chất vấn với phạm vi chất vấn rất rộng, liên quan đến 21 lĩnh vực khác nhau, được sắp xếp thành 4 nhóm lĩnh vực.
Chủ tịch QH đề nghị Chính phủ, các thành viên Chính phủ tiếp thu tối đa ý kiến của các ĐBQH, tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ và toàn diện các nghị quyết của QH về giám sát và chất vấn, tập trung vào việc khắc phục kịp thời, đầy đủ, hiệu quả những tồn tại, yếu kém trong từng lĩnh vực.
. ĐB HOÀNG VĂN CƯỜNG (Hà Nội):
ĐB HOÀNG VĂN CƯỜNG (Hà Nội)
Trả lời đúng trọng tâm, trọng điểm
Tôi đánh giá chất lượng của phiên chất vấn khá tốt, đặc biệt phần trả lời của các bộ trưởng khá trực diện, không né tránh hoặc vòng vo. Không khí chất vấn và trả lời chất vấn rất sôi nổi, thẳng thắn, ngắn gọn, rõ ràng, đúng trọng tâm, trọng điểm.
Việc thực hiện lời hứa, cam kết của các bộ trưởng, trưởng ngành từ kỳ họp trước đến giai đoạn này đã chỉ rõ những gì đã làm được. Tất nhiên, chúng ta đều biết rằng đây là những vấn đề lớn, không phải kỳ họp trước hay năm trước đưa ra lời hứa là có thể thực hiện được toàn bộ vì có thể sẽ phải thực hiện kéo dài hơn nữa. Tuy nhiên, nếu như các bộ trưởng, trưởng ngành chỉ ra thêm được lộ trình thì đại biểu sẽ hài lòng hơn.
. ĐB LÊ THỊ SONG AN (Long An):
ĐB LÊ THỊ SONG AN (Long An)
Tiếp tục theo dõi, giám sát, đồng hành
Qua phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 6 cho thấy các nội dung hỏi và trả lời đều ngắn gọn, cụ thể, rõ ràng, ít có sự trùng lặp, có sự đối thoại, tranh luận thẳng thắn, mang tính xây dựng, sử dụng, tận dụng tối đa hiệu quả thời gian để chất vấn và làm rõ thêm vấn đề.
Các tư lệnh ngành trả lời chất vấn đã giải trình nghiêm túc, giúp làm sáng tỏ thêm nhiều vấn đề mà ĐBQH quan tâm, thể hiện bản lĩnh, nắm chắc thực trạng của ngành và lĩnh vực phụ trách; thẳng thắn, không vòng vo, né tránh, kể cả những nội dung liên quan đến trách nhiệm phối hợp của ngành, điển hình như các lĩnh vực Ngân hàng Nhà nước, Tài chính, Giao thông Vận tải, Tài nguyên và Môi trường…
Với tư cách là ĐBQH, tôi cũng như các đại biểu khác sẽ tiếp tục theo dõi, giám sát, đồng hành và chia sẻ với các bộ, ngành, địa phương để việc thực thi chính sách pháp luật hiệu quả; đồng thời chuyển tải tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của nhân dân đến Chính phủ và QH.