Thế trận hạt nhân mới

Với việc ký sắc lệnh ban hành đạo luật về rút lại sự phê chuẩn của Nga đối với Hiệp ước của Liên Hiệp Quốc (LHQ) về cấm thử nghiệm hạt nhân toàn diện (CTBT), Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chính thức chấm dứt mọi cam kết của Nga liên quan đến hiệp ước này. 

CTBT được 178 nước trên thế giới cam kết tham gia năm 1996 nhưng cho đến nay vẫn chưa có hiệu lực chính thức vì chưa có đủ số lượng quốc gia ký kết phê chuẩn. Năm 2000, nước Nga phê chuẩn trong khi cả Mỹ và Trung Quốc chưa làm thế. Từ nay, Nga không còn khác biệt Mỹ và Trung Quốc trên phương diện này.

Ngoài CTBT, LHQ còn có Hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), ký kết năm 1968 và có hiệu lực từ năm 1970. Mỹ, Nga và Trung Quốc đều tham gia NPT. 

Đối với hoạt động thử hạt nhân, giải trừ vũ khí hạt nhân và phổ biến vũ khí hạt nhân có sự song hành giữa hai hiệp ước nói trên của LHQ và những thỏa thuận song phương giữa Mỹ với Liên Xô trước đây (và Nga ngày nay). Tất cả thỏa thuận song phương này đều không còn hiệu lực do bị một trong hai bên đơn phương hủy bỏ.

Thế trận hạt nhân mới - Ảnh 1.

Tổng thống Nga Vladimir Putin theo dõi cuộc diễn tập khả năng đáp trả hạt nhân đồng loạt trên không, biển và bộ hôm 25-10 Ảnh: REUTERS

Do đó, thế trận hạt nhân trên thế giới thật ra đã thay đổi cơ bản từ lâu chứ không phải đến khi Nga hủy bỏ phê chuẩn CTBT. 

Nhưng bước đi mới nói trên của Nga làm sâu đậm thêm sự tác động đối với chính trị – an ninh thế giới, bởi chỉ trong mấy năm gần đây mà mối quan hệ giữa Mỹ và phương Tây với Nga và Trung Quốc đã trở nên căng thẳng và đối kháng quyết liệt chưa từng thấy kể từ khi chiến tranh lạnh kết thúc.

Cái mới so với trước ở thế trận hạt nhân hiện tại là chuyện giải trừ vũ khí hạt nhân giữa Mỹ và Nga đã đổ vỡ hoàn toàn trên thực tế. Việc phát triển, triển khai và đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân lại được chính trị hóa trong quan hệ giữa một số quốc gia với nhau, từ đó tác động trực tiếp tới chính trị thế giới.

Thế trận hạt nhân mới còn có 3 đặc tính riêng. 

Thứ nhất, từ nay sẽ không còn chuyện giải trừ và kiểm soát vũ khí hạt nhân riêng giữa Mỹ và Nga. Nếu như sau này, vào thời điểm nào đấy trong tương lai, tiến trình giải trừ và kiểm soát vũ khí hạt nhân được tái khởi động thì chắc chắn nó sẽ bao hàm cả tiềm lực vũ khí hạt nhân của Trung Quốc và một vài nước khác. Giải trừ và kiểm soát vũ khí hạt nhân không còn mang tính song phương mà trở thành vấn đề toàn cầu.

Thứ hai, sẽ có một số quốc gia bắt đầu thúc đẩy chương trình hạt nhân riêng. Trong khi Mỹ và Nga tiếp tục hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân, các nước đã có vũ khí hạt nhân cũng sẽ tăng cường tiềm lực của mình. 

Tất cả những nước này sẽ định hình lại học thuyết và chiến lược hạt nhân riêng nhằm bảo đảm an ninh và gây dựng con chủ bài chiến lược phục vụ cho quan hệ đối ngoại của họ và gây dựng vai trò trên trường quốc tế.

Thứ ba, hiệu lực thực tế của hiệp ước NPT hiện chưa bị ảnh hưởng nhưng điều ấy không có nghĩa là NPT không bị đe dọa trong tương lai.

Ngoài ra, kết cục của cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine cũng như của cuộc đối đầu giữa Nga với phương Tây sẽ cho biết thế trận hạt nhân mới này có dẫn đến xung đột hạt nhân hay không. 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *