Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị là quan chức cao cấp nhất của Trung Quốc tới thăm Mỹ trong 5 năm gần đây. Đấy cũng là khoảng thời gian mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc căng thẳng và trắc trở chưa từng thấy kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức vào năm 1979.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mới chỉ trực tiếp gặp nhau một lần nhân hội nghị cấp cao thường niên của Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở Bali – Indonesia vào năm ngoái.
Khúc mắc giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới gia tăng cả về số lượng lẫn mức độ quyết liệt. Bởi vậy, mỗi khi đề cập đến thực trạng và triển vọng của mối quan hệ Mỹ – Trung, câu hỏi luôn được đặt ra là khi nào ông Tập Cận Bình và ông Joe Biden lại gặp nhau.
Một cuộc gặp như vậy sẽ là biểu hiện rõ nét nhất về việc Washington và Bắc Kinh đã đi vào giảm căng thẳng và xung khắc cũng như mối quan hệ song phương này có triển vọng trở lại quỹ đạo phát triển.
Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tại Nhà Trắng ngày 27-10 Ảnh: TÂN HOA XÃ
Sau chuyến đi Mỹ vừa rồi của ông Vương Nghị, câu hỏi này xem ra đã được trả lời. Sứ mệnh chính của ông Vương Nghị tới Mỹ lần này là dọn đường mở lối để ông Tập Cận Bình mấy tuần nữa sẽ đến Mỹ dự hội nghị cấp cao của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) do Mỹ đăng cai tổ chức ở TP San Francisco, bang California.
Trung Quốc và Mỹ đều là thành viên quan trọng của APEC và đều coi trọng APEC. Mỹ rất muốn ông Tập Cận Bình tham dự sự kiện này. Mặt khác, nếu Trung Quốc không muốn để Mỹ độc chiếm diễn đàn APEC và nếu Trung Quốc muốn tận dụng diễn đàn APEC để ganh đua ảnh hưởng thì ông Tập Cận Bình không thể không có mặt.
Đó là chưa kể Washington và Bắc Kinh tuy cạnh tranh chiến lược với nhau quyết liệt, không khoan nhượng nhưng vẫn phải hợp tác với nhau, xung khắc lợi ích chiến lược cơ bản với nhau nhưng không thể “thoát nhau”.
Cho nên một khi Trung Quốc thông báo ông Tập Cận Bình đi Mỹ tham dự hội nghị năm nay của APEC thì cũng có nghĩa sẽ có cuộc gặp giữa ông và tổng thống nước chủ nhà bên lề sự kiện, như năm ngoái ở Bali.
Mọi dấu hiệu cho đến thời điểm hiện tại đều báo hiệu điều ấy. Ở Mỹ, ông Vương Nghị không chỉ gặp và làm việc với bộ trưởng ngoại giao và cố vấn an ninh quốc gia Mỹ mà còn được Tổng thống Joe Biden tiếp. Trước đó, nhiều thành viên chính phủ và các chính khách của Mỹ đều được ông Tập Cận Bình tiếp chuyện khi đến Bắc Kinh.
Tất cả phát biểu từ phía Trung Quốc và Mỹ, của ông Tập Cận Bình và ông Joe Biden cũng như của các vị khác trong chính phủ và chính giới hai nước đều đầy thiện chí và ôn hòa, đều đề cao tầm quan trọng của mối quan hệ Mỹ – Trung đối với thế giới, đều nêu bật sự cần thiết đối với Mỹ và Trung Quốc về thúc đẩy hợp tác song phương.
Thực chất, tất cả động thái nói trên và chuyến đi của ông Vương Nghị là dọn dẹp mọi trở ngại, chuẩn bị dư luận thuận lợi và tạo bầu không khí chính trị thích hợp để ông Tập Cận Bình đi Mỹ và cho cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo hai nước. Mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc hiện ở trước cơ hội bắt đầu tan băng giá, giúp hai bên đi vào giảm căng thẳng trước khi cải thiện từng bước.