Doanh nhân Đỗ Hồng Hạnh, Đồng sáng lập, CEO Buyo Bioplastics: Giảm dấu chân carbon với nhựa sinh học từ rác hữu cơ

Doanh nhân Đỗ Hồng Hạnh, Đồng sáng lập, CEO Buyo Bioplastics: Giảm dấu chân carbon với nhựa sinh học từ rác hữu cơLựa chọn giải pháp sản xuất nhựa sinh học từ chất thải nông nghiệp, nữ doanh nhân Đỗ Hồng Hạnh mong muốn góp phần giảm dấu chân carbon và đặt mục tiêu đưa Buyo Bioplastics trở thành một trong những nhà cung cấp nhựa sinh học hàng đầu Việt Nam và thế giới.

Doanh nhân Đỗ Hồng Hạnh được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao tặng cúp Quán quân Techfest Việt Nam 2023
Giải pháp mới
Nhựa sinh học giờ đây không còn là loại vật liệu quá mới, mà đã dần trở nên quen thuộc ở nhiều thị trường. Tuy nhiên, doanh nhân Đỗ Hồng Hạnh chia sẻ, hiện tại, nguyên liệu sản xuất nhựa sinh học chủ yếu từ tinh bột (gạo, sắn…) và về lâu dài sẽ ảnh hưởng tới an ninh lương thực. Ngoài ra, điểm hạn chế của sản phẩm được làm từ các thành phần này là độ bền không cao, dễ bị mủn khi tiếp xúc với nước.
CEO Đỗ Hồng Hạnh cùng đội ngũ Buyo Bioplastics đã đưa ra một giải pháp mới tối ưu hơn bằng việc lựa chọn nguồn nguyên liệu từ chất thải nông nghiệp như bã bia, bã mía… để sản xuất nhựa sinh học.
Các sản phẩm của Buyo Bioplastics giữ được ưu thế của nhựa sinh học khi tận dụng nguồn rác hữu cơ dồi dào và phổ biến tại Việt Nam như bã hèm thu được sau quá trình sản xuất bia, hoặc một số loại bã khác trong ngành chế biến nông sản làm nguyên liệu đầu vào. Doanh nghiệp tuyển chọn các dòng vi khuẩn phân hủy, kết hợp bí quyết lên men sinh học nhằm liên kết các loại sợi tự nhiên và polymer sinh học khác biệt với nhau thành một dạng vật liệu composite phù hợp với các ứng dụng cụ thể.
Quy trình xử lý ép nhiệt, tạo khuôn, thổi màng mỏng… của Buyo Bioplastics đều không sử dụng hóa chất, giúp tạo ra các sản phẩm ít gánh nặng hơn cho môi trường.
Khi làm kinh doanh, tôi chưa bao giờ cảm thấy thiệt thòi và áp lực vì mình là phụ nữ.- Nữ doanh nhân Đỗ Hồng Hạnh
Đặc biệt, sản phẩm của Buyo Bioplastics có thể phân hủy sinh học hoàn toàn trong điều kiện tự nhiên, không cần thiêu đốt, chỉ cần chôn lấp trong đất và sẽ phân hủy hoàn toàn sau khoảng 1 năm, thay vì khoảng 500 năm như nhựa thông thường. Điều này giúp giảm rác thải hữu cơ thải ra môi trường, giảm thiểu khí nhà kính. Bên cạnh đó, trong quá trình sản xuất, Buyo Bioplastics cũng chú trọng sử dụng năng lượng tái tạo, tái sử dụng nước.
Trước khi lựa chọn nguồn nguyên liệu từ chất thải hữu cơ để sản xuất nhựa sinh học, CEO Đỗ Hồng Hạnh cùng đội ngũ Buyo Bioplastics đã tiến hành thử nghiệm với nhiều nguyên, vật liệu, như vỏ trái cây, trái cây hỏng… Sau quá trình thử nghiệm, nhóm nghiên cứu nhận thấy, chất thải hữu cơ từ các loại bã là nguồn nguyên liệu thích hợp nhất, vì có thể cung cấp số lượng ổn định, chất lượng đồng đều, không cần phân loại, không lẫn tạp chất, giúp quá trình sản xuất ứng dụng công nghiệp được chuẩn hóa và tối ưu chi phí.
“Tạo ra một sản phẩm trong phòng lab thì rất dễ, các nguồn nguyên liệu khác cũng có thể làm được, nhưng để ứng dụng vào sản xuất công nghiệp, thì cần xem xét ở nhiều khía cạnh hơn”, chị Hạnh lý giải.
 
Nỗ lực tăng tốc
Buyo Bioplastics đặt mục tiêu trở thành một trong những doanh nghiệp dẫn đầu thị trường nhựa sinh học không chỉ tại Việt Nam, mà còn cả trên thế giới. Doanh nhân Đỗ Hồng Hạnh chia sẻ, để hiện thực hóa mục tiêu này, Buyo Bioplastics sẽ không ngừng tiếp cận và mở rộng thị trường.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng tích cực tham gia các chương trình tăng tốc khởi nghiệp, như chương trình Tăng tốc toàn cầu Global 100+ do 4 nhà sản xuất hàng tiêu dùng khổng lồ (Anheuser-Busch InBev, Coca-Cola, Colgate-
Palmolive và Unilever) khởi xướng nhằm tìm kiếm các start-up công nghệ có khả năng giải quyết vấn đề rác thải ngày càng tăng ở châu Á; chương trình HyperScale 2023 (Singapore); SK Startup Fellowship 2023 (Hàn Quốc)…
Thông qua các chương trình đó, Buyo Bioplastics không chỉ học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, mà còn có cơ hội tiếp cận nhiều khách hàng lớn và tiềm năng. Hiện Buyo Bioplastics đã có một số hợp đồng thí điểm để phát triển sản phẩm cho các doanh nghiệp như Công ty Mondelez (Mỹ), Công ty Thai Wah (Thái Lan), chuyên sản xuất mì gói, Công ty Tessellation (Hồng Kông), chuyên sản xuất sợi vải…
Nữ CEO kỳ vọng, việc hợp tác với các tập đoàn đa quốc gia sẽ giúp doanh thu của Buyo Bioplastics tăng trưởng ấn tượng trong năm 2024, đạt khoảng 2 triệu USD, tăng gấp 20 lần so với năm 2023.
Bên cạnh đó, đội ngũ Buyo Bioplastics sẽ nỗ lực không ngừng để tiếp cận khách hàng và xúc tiến thương mại tại các thị trường lớn, yêu cầu gắt gao về bảo vệ môi trường, như Mỹ, châu Âu.
“Sản phẩm nhựa sinh học sử dụng phương pháp sản xuất ứng dụng kinh tế tuần hoàn vô cùng hấp dẫn với các tập đoàn, trong bối cảnh nhiều ngành công nghiệp phải chịu áp lực lớn để giảm dấu chân carbon”, chị Hạnh nhận định.
Tuy nhiên, bên cạnh việc giảm thiểu tác động tới môi trường và xã hội, sản phẩm cần có mức giá hợp lý, thì mới thu hút được nhiều khách hàng.
Thẳng thắn nhìn nhận, giá sản phẩm Buyo vẫn ở mức khá cao so với các loại nhựa gốc dầu mỏ thông thường, nhưng CEO Đỗ Hồng Hạnh cũng cho biết, mức giá đó có thể cạnh tranh được với các sản phẩm bao bì từ giấy và mía ép. Đặc biệt, nhựa sinh học của Buyo có khả năng cạnh tranh với các loại nhựa sinh học phổ biến khác như PLA (một loại nhựa gốc axit lactic làm từ các loại sinh khối như đường mía công nghiệp, củ cải đường, ngô, sắn… và có thể phân hủy sinh học).
“Với một khối lượng đủ lớn, chi phí sản xuất của chúng tôi chỉ bằng 50 – 60% so với PLA”, chị Hạnh tự tin.
Buyo Bioplastics đang sản xuất thử nghiệm tại nhà máy ở huyện Củ Chi (TP.HCM) với sản lượng khoảng 10 tấn nhựa sinh học/tháng, ứng dụng vào các loại bao gói mềm như màng bọc, túi đựng… và các loại nhựa cứng như khay, bộ đồ ăn, ly, hũ, chai…
CEO Đỗ Hồng Hạnh tiết lộ, trong thời gian tới, doanh nghiệp dự định mở rộng quy mô nhà máy lên gấp 10 lần, cho ra sản lượng khoảng 100 tấn nhựa sinh học/tháng và ứng dụng đa dạng hơn trong nhóm sản phẩm nhựa dùng cho y tế, mỹ phẩm, thực phẩm.
Về lâu dài, Buyo hướng tới ứng dụng nhựa sinh học trong công nghiệp và xa hơn nữa là cung cấp đa dạng vật liệu sinh học thay vì chỉ giới hạn ở nhựa sinh học.
“Mục tiêu dài hạn của chúng tôi là cung cấp những giải pháp nguyên, vật liệu sinh học, góp phần hóa giải vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa nói riêng và ô nhiễm môi trường nói chung”, chị Hạnh chia sẻ.
Phát huy lợi thế của phái nữ
Trước khi trở thành Đồng sáng lập, CEO của Buyo Bioplastics, doanh nhân Đỗ Hồng Hạnh từng là Trưởng đại diện của Công ty cổ phần Quản lý quỹ đầu tư chứng khoán Bản Việt, chuyên gia tăng trưởng kinh tế tại USAID Việt Nam, đại diện quốc gia của Viện Năng lực cạnh tranh châu Á tại Việt Nam, Giám đốc phát triển kinh doanh tại Esquel Group.
Trải qua nhiều vị trí công tác, chị muốn thử sức với những công việc thách thức hơn. Nhận thấy vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa là một trong những thách thức lớn nhất mà các quốc gia đang phải đối mặt, chính sách cấm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần của nhiều quốc gia cũng mở ra cơ hội kinh doanh lớn, tháng 9/2022, nữ doanh nhân Đỗ Hồng Hạnh cùng người bạn học cùng cấp 3 – Tiến sỹ ngành kỹ thuật môi trường Trịnh Hòa thành lập Công ty cổ phần Nhựa sinh học Buyo (Buyo Bioplastics).
“Buyo được thành lập với mục tiêu kép là giải quyết vấn đề rác thải nhựa và tận dụng cơ hội thị trường tiềm năng này”, chị Hạnh chia sẻ.
Với CEO Đỗ Hồng Hạnh, Buyo Bioplastics là sự khởi đầu, nhưng cũng là hành trình kế tiếp. Kinh nghiệm dày dặn và những mối quan hệ kinh doanh được tạo dựng trước đó đã trở thành công cụ đắc lực hỗ trợ chị trong công việc mới, đặc biệt là ở một lĩnh vực mà theo nữ doanh nhân là cần phải có độ “chín”, có kinh nghiệm “thực chiến” nhất định, thì mới có thể thành công.
“Tôi khởi nghiệp thuận lợi hơn rất nhiều so với khi chưa có kinh nghiệm. Không chỉ kiếm tiền, tôi muốn tìm những điều mới mẻ để khám phá bản thân nhiều hơn, thử sức bản thân ở những lĩnh vực mới nhiều thách thức hơn”, nữ doanh nhân nói.
Chia sẻ với Báo Đầu tư nhân dịp Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, chị Hạnh bộc bạch, khi làm kinh doanh, chị chưa bao giờ cảm thấy thiệt thòi và áp lực vì mình là phụ nữ, bởi khách hàng luôn quan tâm nhiều hơn đến sản phẩm, giải pháp công nghệ của doanh nghiệp, năng lực của người cung cấp giải pháp đó…
Thậm chí, theo chị Hạnh, phụ nữ còn có lợi thế nhất định trong kinh doanh. Phụ nữ có khả năng lắng nghe và thấu hiểu rất tốt, kết hợp với trực giác nhạy bén sẽ là “vũ khí lợi hại” trong thương thảo, thuyết phục khách hàng. Bên cạnh đó, với bản tính ít hiếu thắng, luôn mong muốn đạt được nhiều quyền lợi cho các bên, các nữ doanh nhân có phần thiếu quyết liệt, nhưng lại giải quyết được bài toán về hợp tác lâu dài.
“Sự kiên định, bền bỉ, khả năng chịu áp lực và đa nhiệm của nữ giới rất cao. Đây đều là lợi thế của phụ nữ trong công việc và kinh doanh. Theo tôi, chúng ta nên tập trung để phát huy những lợi thế này, thay vì chỉ nhìn vào những hạn chế, định kiến”, nữ doanh nhân Đỗ Hồng Hạnh  nói.

Được thành lập từ tháng 9/2022, chỉ mới trải qua hơn 1 năm hoạt động, song nhờ định hướng phù hợp với xu thế phát triển xanh cùng chiến lược sản xuất, kinh doanh bài bản, Buyo Bioplastics đã đạt được nhiều thành tựu đáng nể như Quán quân Techfest Việt Nam 2023, giành giải thưởng trị giá 15.000 USD tại cuộc thi 100+ Accelerator của AB InBev, được Quỹ Antler (Singapore) cam kết hỗ trợ từ giai đoạn ươm mầm ý tưởng đến khi trưởng thành…