Hơn 200 gian hàng tham gia triển lãm quốc tế thiết bị, công nghệ In thêu, sản phẩm và nguyên phụ liệu Dệt may tại tỉnh Bình Dương

Khai mạc Triển lãm quốc tế thiết bị, công nghệ In thêu, sản phẩm và nguyên phụ liệu Dệt may ngày 21/9 tại Bình Dương

Triển lãm quy tụ 200 gian hàng giới thiệu các sản phẩm, công nghệ tiên tiến nhất cho ngành công nghiệp in thêu, gia công trang phục, sản xuất vải, cung ứng sản phẩm và nguyên phụ liệu dệt may,… Triển lãm là nơi giúp cho các doanh nghiệp trong nước và quốc tế gặp gỡ, tìm hiểu, trao đổi kinh nghiệm, tăng cường hợp tác liên doanh liên kết, mở rộng thị trường, tiếp cận với công nghệ sản xuất và nguồn nguyên phụ liệu mới.

Khách tham quan sản phẩm trưng bày tại gian hàng trong triển lãm

Dệt may là ngành công nghiệp chủ đạo, đóng góp vào mức tăng trưởng xuất khẩu bền vững trung bình từ 8% – 15% mỗi năm, góp phần quan trọng vào chiến lược phát triển kinh tế của đất nước. Hiện nay, ngành này sử dụng hơn 2 triệu lao động, xuất khẩu hơn 40 tỷ USD/năm, với thu nhập trung bình của người lao động đạt khoảng 8,5 triệu đồng/người/tháng.

Trong thời gian tới ngành dệt may tiếp tục được đánh giá có nhiều cơ hội phát triển bởi Việt Nam đang tham gia hàng loạt các hiệp định thương mại tự do và sự dịch chuyển chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu… Để phát huy và đón đầu cơ hội, các doanh nghiệp dệt may cần tăng cường liên doanh liên kết, kêu gọi đầu tư, đẩy mạnh việc đào tạo, nâng cao tay nghề và thu hút người lao động, nâng cao quản lý chất lượng, quản lý lao động, quản lý môi trường, hoàn thiện chuỗi cung ứng dệt may theo tiêu chuẩn quốc tế.

“Tỉnh Bình Dương trong nhiều năm qua đã hình thành và phát triển khu vực công nghiệp rộng lớn và thu hút hơn 4000 doanh nghiệp FDIs cũng như phát triển hơn 44,000 doanh nghiệp SMEs đang hình thành và phát triển tại đây. Đặc biệt trong ngành dệt may, tỉnh Bình Dương là nơi thu hút các doanh nghiệp dệt may FDI cũng như trong nước gia công cho các sản phẩm ở nước ngoài đang hoạt động tích cực trên địa bàn tỉnh. Sau đại dịch COVID-19 và sự biến động của thị trường toàn cầu, dù các đơn hàng vẫn đang còn nhiều khó khăn, tuy nhiên các doanh nghiệp dệt may, áp dụng các công nghệ in thêu vẫn tiếp tục tìm hướng đi riêng để phát triển thị trường, đặc biệt là chú trọng đi vào thị trường nội địa Việt Nam với quy mô 100 triệu dân. Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh và Sở Công Thương Bình Dương cũng chủ động để tìm kiếm thêm các đơn hàng từ thị trường như Ấn Độ, EU, Trung Quốc, Trung Đông… để tăng đơn hàng, đáp ứng nhu cầu sản xuất, xuất khẩu của DN, tạo việc làm cho người lao động”. – Đại diện Sở Công Thương Tỉnh Bình Dương cho biết.

Triển lãm quy tụ 200 gian hàng giới thiệu các sản phẩm, công nghệ tiên tiến nhất cho ngành công nghiệp in thêu, gia công trang phục, sản xuất vải, cung ứng sản phẩm và nguyên phụ liệu dệt may

Triển lãm ITCPE – VIETNAM TEXPRINT 2023 là sự kiện quốc tế chuyên ngành lần đầu tiên về lĩnh vực này được tổ chức tại Bình Dương – vùng đất công nghiệp, trong đó doanh nghiệp ngành may mặc chiếm tỉ lệ rất cao; kỳ vọng sẽ thu hút sự quan tâm của đông đảo các doanh nghiệp tại Bình Dương và các tỉnh thành tập trung nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực may mặc như TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh,… nói riêng, tạo cơ hội quảng bá, phát huy vai trò là cầu nối liên kết các doanh nghiệp trong nước và quốc tế, thúc đẩy sản xuất, ổn định thị trường trong nước và xuất khẩu, tìm kiếm thị trường mới, tiếp tục thể hiện sự đóng góp, vai trò ý nghĩa quan trọng của ngành Dệt may trong phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, an sinh xã hội.

Triển lãm là nơi giúp cho các doanh nghiệp trong nước và quốc tế gặp gỡ, tìm hiểu, trao đổi kinh nghiệm, tăng cường hợp tác liên doanh liên kết, mở rộng thị trường, tiếp cận với công nghệ sản xuất và nguồn nguyên phụ liệu mới

Tại Triển lãm, ngày 21/9/2023, Hiệp Hội Dệt May Việt Nam (VITAS) chủ trì phối hợp cùng các Sở ban ngành hữu quan, các công ty, tập đoàn dệt may trong nước và quốc tế; Lãnh đạo/ đại diện các khu công nghiệp khu chế xuất… tổ chức “Hội thảo – Tọa đàm ngành In – Thêu – Dệt May 2023” với nội dung chính: Chuyển đổi kỹ thuật số và tính bền vững trong In ấn – Dệt May/ Công nghệ In nhãn – Giải pháp chống hàng giả ngành dệt may/ Giải pháp in Vải tùy chỉnh cho các doanh nghiệp/… chương trình giới thiệu công nghệ, trình diễn sản phẩm tiêu biểu về In – Thêu – Dệt may của các đơn vị tham dự.

Để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp quốc tế về việc đầu tư xây dựng nhà máy tại Việt Nam, BTC còn tổ chức chương trình tham quan, khảo sát chuyên sâu một số khu công nghiệp, khu chế xuất tại Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh… nhằm tìm hiểu về chính sách xúc tiến đầu tư của tỉnh; đồng thời tăng cường giao lưu hợp tác với các hiệp hội ngành hàng tăng cường ứng dụng quản lý nhà máy thông minh, thiết bị sản xuất thông minh, cùng nhau thúc đẩy sự phát triển của ngành.

ITCPE – VIETNAM TEXPRINT 2023 sẽ giúp các doanh nghiệp ngành Dệt may trong nước đẩy mạnh đầu tư công nghệ nâng cao năng suất và chất lương sản phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, xuất khẩu, phát triển của ngành dệt may Việt Nam theo tiêu chí “Thương mại xanh, công nghiệp xanh”.

Triển lãm diễn ra từ ngày 21 đến ngày 23/9 Tại trung tâm triển lãm WTC EXPO, TP Thủ Dầu Một – Thành Phố Mới- Tỉnh Bình Dương.

Thanh Dung

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *