Khi cha mẹ và con mất kết nối

“Đối với ba mẹ, hình như con cái là gánh nặng thì phải” – bé T.T.H.X (13 tuổi, học lớp 7) nói “triết lý” rồi lý giải cho nhận định này bằng câu chuyện của chính mình.

Không tìm được tiếng nói chung

X. học rất giỏi vì “con chỉ có niềm vui duy nhất là học”. Ngoài giờ học ở trường và mấy buổi học thêm, về đến nhà, ăn uống, tắm rửa xong là X. ngồi vào bàn học. Bài tập trên trường làm hết, X. tự mày mò lên mạng tìm bài làm thêm cho đến khuya.

X. kể ba thường đi nhậu về khuya vì phải tiếp đối tác, thứ bảy, chủ nhật đôi khi cũng không có nhà; mẹ ngoài giờ làm việc, nấu ăn, buổi tối thường thích xem những chương trình truyền hình thực tế, YouTube hoặc “tám” chuyện trên điện thoại, thỉnh thoảng đi gặp bạn bè.

Đôi lúc X. muốn ngồi bên mẹ để kể chuyện trường lớp, bạn bè nhưng đáp lại, mẹ chỉ “ừ”, “vậy hả”, cùng lắm là quay qua nhìn X. hỏi: “Có chuyện gì hả con? Học bài xong chưa?” rồi lại dán mắt vào điện thoại.

“Mẹ chỉ nói nhiều nhất với con là khi than phiền ba hay nhậu về khuya, không quan tâm gì vợ con… Riết rồi con không muốn kể chuyện gì với ba mẹ hết vì có ai thèm nghe đâu” – X. kể với giọng chua chát của người lớn.

Khi cha mẹ và con mất kết nối - Ảnh 1.

Người mà X. có thể tâm sự mọi chuyện là cô ruột. Cô không chỉ nghe mà còn góp chuyện hoặc cho X. lời khuyên, phân tích vì sao nên thế này, không nên thế kia. Nghỉ hè, cô tranh thủ đưa X. đi chỗ này, chỗ kia hoặc ra quán cà phê để tâm sự…

Đôi khi X. ước giá cô là mẹ của mình. “May mà con còn có cô C. Con không đòi hỏi gì nhiều, chỉ cần ba mẹ quan tâm đến con một chút thôi để biết con nghĩ gì, cần gì…” – X. nói.

Chị Tú Quỳnh (27 tuổi; ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) cũng nặng trĩu nỗi buồn khi chia sẻ về việc không tìm được tiếng nói chung với đấng sinh thành.

“Thật sự tôi quá mệt mỏi vì phải sống theo lối suy nghĩ áp đặt của mẹ. Chưa bao giờ mẹ hỏi tôi làm như vậy có thích không, có hạnh phúc không. Mẹ luôn nói đi nói lại câu “Áo mặc sao qua khỏi đầu”, “Cá không ăn muối cá ương/ Con cãi cha mẹ trăm đường con hư”. Chỉ có ý kiến của mẹ là đúng” – chị Quỳnh thở dài kể.

Mẹ chị Quỳnh là một phụ nữ độc lập, có tính cách mạnh mẽ, quyết đoán. Những gì bà đã nghĩ, đã quyết thì không ai trong nhà có thể thay đổi được.

Một đôi lần chị muốn phản kháng, làm ngược lại là bị bà chì chiết hết ngày này qua ngày khác. Càng lớn, chị càng sống khép kín, không muốn tâm sự với mẹ vì biết nói ra chỉ rước lấy phiền lòng.

“Những lần gặp gỡ bà con, mẹ luôn khen chị tôi ngoan, giỏi giang, biết nghe lời; chê tôi bướng ngầm, khó gần. Tôi biết chị mình cũng không hạnh phúc gì khi phải làm theo mọi yêu cầu của mẹ, không ít lần tôi thấy chị len lén khóc. Chỉ là tính chị hiền nên nhẫn nhịn chịu đựng thôi” – chị Quỳnh tâm sự.

Trong khi một số người trẻ than phiền vì bị ba mẹ áp đặt hoặc ít quan tâm, không ít phụ huynh cũng buồn lòng vì đứt gãy kết nối với con.

Bà Mai Thảo (52 tuổi; ngụ quận Tân Phú, TP HCM) chia sẻ: “Nhớ con gái nhưng lần nào gọi điện cũng chỉ nói đôi ba câu là mẹ con lại cãi nhau. 

Thật lòng tôi muốn tốt cho con nên nói ra suy nghĩ và trải nghiệm của mình nhưng con cho rằng tôi đang áp đặt. Tôi sợ lỡ chẳng may con có bất trắc hoặc lầm đường lạc lối thì phải làm sao?”.

Lắng nghe nhau

Theo chuyên gia tâm lý Phạm Thị Thanh Thúy, cuộc sống hiện đại với vô số áp lực từ xã hội, cùng với đó, cái tôi cũng được đề cao, nhiều phụ huynh trẻ đã không dành đủ thời gian và sự quan tâm để kết nối với con.

Sự mất kết nối diễn ra dần dần, từng ngày, khiến con rời xa cha mẹ, kéo khoảng cách giữa cha mẹ và con xa nhau hơn. Sự thấu hiểu nhau cũng vì vậy mà mất đi. Trong khi sự kết nối giữa cha mẹ và con là yếu tố quan trọng, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển và tương lai của con.

Nhiều trẻ không được quan tâm đầy đủ dễ dẫn đến nóng tính, căng thẳng hoặc trầm cảm, phát triển nhân cách không toàn diện.

“Con cái ở lứa tuổi nào cũng cần được cha mẹ quan tâm, chăm sóc đầy đủ. Không chỉ là những chăm sóc bữa ăn, giấc ngủ mà còn như là người bạn lớn để chỉ dẫn, trao đổi nhiều vấn đề trong cuộc sống, trong học tập…

Dù bận bịu công việc và các mối qua hệ xã hội, cũng cần dành hẳn một ngày nghỉ để bên con, cùng con nấu ăn, tập thể dục, cùng đi chơi đây đó… để nạp năng lượng cho một tuần mới” – chuyên gia Phạm Thị Thanh Thúy khuyên.

Với những phụ huynh có thói quen áp đặt dù con đã trưởng thành, chuyên gia tâm lý Nguyễn Hải An cho rằng đừng để mối quan hệ giữa cha mẹ và con phát sinh mâu thuẫn lâu dài vì sẽ khiến gia đình căng thẳng, buồn chán và mất dần cảm xúc.

Để gắn kết mối quan hệ, cha mẹ và con cần sự cởi mở, đồng cảm, biết chấp nhận những quan điểm khác nhau để chủ động giao tiếp một cách cởi mở và bao dung, từ đó xây dựng mối quan hệ bền chặt, vượt qua sự khác biệt về thế hệ.

“Nếu xảy ra mâu thuẫn, cha mẹ và con cần giữ bình tĩnh, kiểm soát tốt cảm xúc. Khi cùng trò chuyện về vấn đề gì cũng cần giữ tinh thần thoải mái. Nóng giận, to tiếng hay mất bình tĩnh sẽ tác động tiêu cực. Cần nhìn nhận vấn đề ở nhiều góc độ, đặt mình vào vị trí của người kia để hiểu nhau” – chuyên gia tâm lý Nguyễn Hải An nói.

“Hãy lùi lại, cho phép con tự đưa ra quyết định và đứng lên từ những sai lầm. Có thể đưa ra lời khuyên nhưng tuyệt đối đừng can thiệp vào quá trình trưởng thành của con, điều này vô tình đẩy con ra xa.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *