Ngành du lịch muốn đón 13 triệu lượt khách quốc tế

Theo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, trong 9 tháng đầu năm 2023, ngành du lịch đã đón khoảng 8,9 triệu lượt khách quốc tế – vượt mục tiêu đề ra nhưng vẫn chỉ bằng 69% so với cùng kỳ trước dịch COVID-19. Ngành du lịch đã nâng mục tiêu đón khách quốc tế lên 12-13 triệu lượt. Các doanh nghiệp (DN) cho rằng mục tiêu này không khó và quan trọng là chiến lược quảng bá ưu tiên ở những thị trường mới, tiềm năng để cạnh tranh với các điểm đến trong khu vực.

Tín hiệu tích cực từ thị trường mới

Tập đoàn Vingroup cho biết trong 3 ngày (từ 23 đến 25-10), Phú Quốc đón 3 chuyến bay quốc tế đến từ Kazakhstan. Đây là tín hiệu khởi sắc, đánh dấu sự phục hồi khách đến từ thị trường các quốc gia Đông Âu và Trung Á sau thời gian dài vắng bóng. Dự kiến 3 chuyến bay (đều do hãng SCAT Airlines khai thác) sẽ đưa hơn 600 khách tới Phú Quốc trải nghiệm kỳ nghỉ 6 ngày 5 đêm.

Ngành du lịch muốn đón 13 triệu lượt khách quốc tế - Ảnh 1.

Đoàn khách quốc tế đến từ Qatar tham gia tour du lịch đồng bằng sông Cửu Long .Ảnh: BÌNH AN

Từ nay đến cuối năm 2023, SCAT Airlines sẽ vận hành 6 chuyến bay/tuần cho 3 chặng bay tới Phú Quốc. Không chỉ thị trường Kazakhstan, Korean Air của Hàn Quốc cũng sẽ mở chuyến bay thương mại với tần suất 1 chuyến/ngày từ Seoul đến Phú Quốc vào cuối tháng 11 tới.

Trong bối cảnh những thị trường truyền thống đang gặp khó khăn hoặc lượng khách trở lại chưa tương xứng, các DN du lịch đã đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thị trường khách mới. Ông Trần Thế Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Lữ hành Vietluxtour, cho hay Vietluxtour đã đẩy mạnh loại hình tour du lịch sinh thái đến đồng bằng sông Cửu Long. Dòng sản phẩm này vốn đã tạo được ấn tượng ở các thị trường khách Âu, Mỹ, nay tăng thêm sức hút ở các thị trường mới như Úc, New Zealand, Trung Cận Đông, đặc biệt là phân khúc khách sinh viên, học sinh.

Mới đây, Vietluxtour đã tổ chức thành công cho nhóm khách VIP là đoàn học sinh Hoàng gia Qatar đến đồng bằng sông Cửu Long tham quan, học tập và nhận được phản hồi rất tích cực về chất lượng dịch vụ và văn hóa, con người Việt Nam. “Đây là những thị trường có chi tiêu cao, phản hồi rất tích cực và chúng tôi sẽ đẩy mạnh trong thời gian tới” – ông Trần Thế Dũng hồ hởi.

Xây dựng chiến lược cạnh tranh với khu vực

Về mục tiêu đón 13 triệu lượt khách của ngành du lịch trong năm nay, nhiều DN cho hay thời điểm này đang vào mùa cao điểm đón khách quốc tế nên con số này có thể đạt được. Tuy nhiên, vấn đề của ngành du lịch không chỉ là 13 triệu lượt khách của năm nay mà phải làm sao đạt được như con số khoảng 18 triệu lượt khách năm 2019 (trước khi xảy ra dịch COVID-19) hoặc cao hơn.

Ông Đặng Mạnh Phước, Giám đốc điều hành The Outbox Company, phân tích khả năng ngành du lịch Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được. Chuyện tiếp theo là đón những thị trường khách mục tiêu nào cho năm 2024, như khách Tây Âu vốn là truyền thống nhưng sụt giảm trong năm nay do chính sách khuyến khích đi du lịch nội khối hay khách Trung Quốc dự kiến sẽ tăng mạnh từ năm sau và ngành du lịch cần đẩy mạnh chính sách quảng bá, xúc tiến phù hợp.

“Rất nhiều điểm đến trong khu vực đều đang có chính sách rộng cửa, tạo thuận lợi cho khách Trung Quốc đến và Việt Nam cũng không thể nằm ngoài xu hướng này” – ông Phước nhìn nhận.

Theo số liệu của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, trong 9 tháng đầu năm 2023, khách Trung Quốc đến Việt Nam đạt hơn 1,12 triệu lượt, gấp 14 lần so với cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn chưa phục hồi như trước dịch COVID-19. Các DN nhận định khách Trung Quốc là thị trường nguồn không thể bỏ qua nhưng cần tập trung chiến lược đón khách phân khúc trung, cao cấp và nói không với khách 0 đồng.

Ông Nguyễn Thành Lưu, Phó Tổng Giám đốc điều hành Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist, cho hay công ty đang tập trung khai thác các thị trường gần như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, các nước khu vực ASEAN và duy trì kết nối để đón khách có sức chi tiêu cao vào năm sau như: Bắc Mỹ, Tây Âu… Riêng với khách Trung Quốc, Lữ hành Saigontourist vẫn liên tục tham gia hội chợ quảng bá, xúc tiến.

Theo ông Lưu, Lữ hành Saigontourist sẽ tập trung đón dòng khách tàu biển, khách đường hàng không từ Trung Quốc. Với những thành phố như Bắc Kinh, Thượng Hải…, nhu cầu khách đi du lịch nhiều và chi tiêu cao.

“Để tăng sức cạnh tranh với những điểm đến trong khu vực thì nỗ lực của một vài DN quảng bá là chưa đủ mà cần chiến lược quảng bá, xúc tiến chung của ngành du lịch với nguồn lực lớn hơn, sức lan tỏa sẽ nhiều hơn. Cạnh tranh hiện tại là cạnh tranh trong khu vực với Thái Lan, Indonesia, thậm chí cả Campuchia, nên rất cần chiến lược quảng bá đồng bộ để tạo hiệu quả” – ông Nguyễn Thành Lưu nhấn mạnh. 

Cần chiến lược quảng bá sớm

Ông Phạm Hà, Chủ tịch HĐQT Lux Group, cho rằng ngành du lịch cần bắt tay ngay triển khai chiến lược quảng bá sớm tới những điểm đến ưu tiên của năm 2024. Nhìn qua Thái Lan, ngay từ tháng 9, tháng 10, họ đã đặt mục tiêu tăng gấp đôi lượng khách quốc tế lên 40 triệu lượt vào năm sau với kế hoạch bài bản là miễn visa cho khách Trung Quốc và một vài thị trường khách nói tiếng Nga.

“Chính sách visa đã mở rộng nhưng cần chiến lược rõ ràng hơn, tập trung vào thị trường nào, thể chế chính sách, quảng bá xúc tiến ở những thị trường mới nào thay thế cho thị trường truyền thống đang gặp khó hoặc thị trường đang chi tiêu tốt như Mỹ, Úc, New Zealand hay khách nhà giàu Ấn Độ. Nếu có kế hoạch triển khai quảng bá cụ thể, DN sẽ cùng góp sức để ngành du lịch cạnh tranh tốt nhất” – ông Phạm Hà tin tưởng.

Ngành du lịch muốn đón 13 triệu lượt khách quốc tế - Ảnh 4.
Ngành du lịch muốn đón 13 triệu lượt khách quốc tế - Ảnh 5.
Ngành du lịch muốn đón 13 triệu lượt khách quốc tế - Ảnh 6.
Ngành du lịch muốn đón 13 triệu lượt khách quốc tế - Ảnh 7.
Ngành du lịch muốn đón 13 triệu lượt khách quốc tế - Ảnh 8.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *