Rộ mua bán, sáp nhập công ty tài chính

Ngân hàng (NH) TMCP Đông Nam Á (SeABank) vừa ký hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp tại Công ty Tài chính TNHH MTV Bưu Điện (PTF) cho AEON Financial Service Co., Ltd. – thành viên thuộc mảng tài chính của AEON Group – tập đoàn bán lẻ lớn nhất Nhật Bản.

Những cuộc đổi chủ

Thương vụ được công bố có giá trị 4.300 tỉ đồng. Theo SeABank, thỏa thuận này sẽ đem lại nguồn thặng dư vốn đáng kể để nâng cao năng lực tài chính của NH.

Như vậy, SeABank đã bán PTF sau hơn 5 năm mua công ty từ Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) vào năm 2018. Hiện tại PTF có vốn điều lệ 1.550 tỉ đồng, tổng số nhân sự gần 2.000 người và phục vụ gần 200.000 khách hàng tại 30 tỉnh, thành phố trên cả nước. “Sau khi ký kết hợp đồng, hai bên sẽ xin ý kiến chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền, sự chấp thuận của NH Nhà nước để hoàn tất giao dịch chuyển nhượng” – đại diện SeABank cho biết.

Trước đó, NH TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) cũng chuyển nhượng 50% vốn điều lệ của Công ty Tài chính TNHH NH TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB Finance) cho NH Krungsri của Thái Lan. SHB Finance có vốn điều lệ là 1.000 tỉ đồng, Theo thỏa thuận ký tháng 8-2021, SHB sẽ chuyển nhượng 50% vốn điều lệ của SHB Finance cho Krungsri và sẽ tiếp tục chuyển nhượng phần vốn còn lại sau 3 năm.

Bà Olena Khlon, Phó Tổng Giám đốc Thường trực SHB Finance, cho biết thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam còn nhiều tiềm năng, là điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư nước ngoài. Theo bà Olena Khlon, với sự đồng hành của Krungsri – tổ chức tài chính mạnh trong khu vực – sẽ giúp SHB Finance nhanh chóng thực hiện được mục tiêu trở thành một trong những công ty tài chính hàng đầu Việt Nam.

Rộ mua bán, sáp nhập công ty tài chính - Ảnh 1.

Nhà đầu tư Thái Lan đang nắm 50% vốn tại SHB Finance và dự kiến tiếp tục tăng tỉ lệ sở hữu trong thời gian tới..Ảnh: BÌNH ANH

Cách đây 2 năm, NH Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng đã chuyển nhượng 49% vốn điều lệ Công ty Tài chính TNHH MTV NH Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit) cho đối tác là công ty con thuộc SMBC Group (Nhật Bản). Thương vụ này được cho là đã mang về cho VPBank số tiền hàng chục ngàn tỉ đồng.

Đáng nói là xu hướng mua bán, sáp nhập (M&A) công ty tài chính diễn ra trong bối cảnh phân khúc cho vay tiêu dùng đang gặp nhiều khó khăn do kinh tế chưa hồi phục mạnh mẽ, thu nhập của người tiêu dùng sụt giảm. Nhiều người đặt câu hỏi, liệu lĩnh vực này đã không còn là “con gà đẻ trứng vàng”?

Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, chuyên gia kinh tế – TS Đinh Thế Hiển nhận định tùy vào từng chiến lược hoạt động kinh doanh của tổ chức tài chính mà họ quyết định thoái vốn, chuyển nhượng phần vốn góp ở các công ty tài chính. Bối cảnh trước mắt là khó khăn nhưng với những tổ chức tài chính quốc tế thì Việt Nam vẫn là thị trường cho vay tiêu dùng rất tiềm năng với khoảng 100 triệu dân. 

“Tổ chức tài chính nước ngoài thường có nguồn vốn dài hạn và họ không tìm kiếm nguồn lợi nhuận nhanh mà quan tâm tính bền vững nên họ rót vốn vào những công ty tài chính tiêu dùng của Việt Nam. M&A trong bối cảnh này cũng là tín hiệu tốt giúp các công ty tài chính tiếp tục duy trì và phát triển” – TS Đinh Thế Hiển nói.

Khó khăn vẫn còn

Hoạt động kinh doanh của các công ty tài chính thời gian qua gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, hoạt động cho vay tiêu dùng gặp khó do thu nhập của người tiêu dùng sụt giảm, hạn chế chi tiêu mua sắm, nếu có cũng chỉ dùng tiền mặt chứ ít ai muốn mang nợ. Không chỉ vậy, các công ty tiêu dùng còn bị ảnh hưởng nặng bởi làn sóng người vay rủ nhau “bùng nợ” với đủ loại lý do chủ quan lẫn khách quan.

Phản ánh đến Báo Người Lao Động, ông T.L (ngụ TP Thuận An, tỉnh Bình Dương) cho biết năm 2021, vợ ông có vay tiêu dùng của một công ty tài chính với số tiền 30 triệu đồng. Sau khi trả được một phần nợ vay, gia đình ông gặp khó khăn do dịch COVID-19, thu nhập sụt giảm, khoản nợ không thể tiếp tục thanh toán… 

Kết quả là cả nhà ông liên tục bị nhắn tin, điện thoại đòi nợ. Không những vậy, đối tượng đòi nợ còn liên lạc với công ty nơi vợ ông làm việc, trường học nơi các con ông đang theo học, ảnh hưởng tới cuộc sống của cả nhà.

 “Tôi đã liên hệ với công ty tài chính và đối tượng đòi nợ để xin giãn nợ, thanh toán dần dần vì điều kiện gia đình rất khó khăn, đồng thời đề nghị họ không gây phiền hà cho trường học của con tôi và công ty nơi vợ tôi làm việc nhưng không có kết quả” – ông T.L kể.

Theo tìm hiểu của phóng viên, công ty tài chính nơi cho vợ ông T.L vay tiền đã bán khoản nợ vay của khách hàng cho bên thứ 3 là công ty xử lý nợ (do khoản vay của gia đình ông T.L đã quá hạn thanh toán). Công ty mua bán nợ cũng gửi thông báo cho ông T.L yêu cầu thanh toán khoản nợ vay còn lại, nếu không sẽ gửi thông báo về địa phương nơi ông thường trú…

Để thị trường cho vay tiêu dùng vượt qua giai đoạn khó khăn, phát triển bền vững, ông Nguyễn Hoàng Minh, Trưởng đại diện Hiệp hội NH Việt Nam tại TP HCM, kiến nghị NH Nhà nước xem xét bổ sung và sửa đổi những quy định về cho vay tiêu dùng. Nếu khách hàng do điều kiện khách quan không trả được nợ có thể cơ cấu lại nợ. 

Việc này sẽ giúp công ty tài chính tiêu dùng giảm nợ xấu, giảm được chi phí trích lập dự phòng rủi ro. Đồng thời, cần có quy định về hành lang pháp lý để bảo vệ cả người đi vay và người cho vay bởi hiện tại, do thiếu chế tài ràng buộc trách nhiệm với người đi vay, trong khi ý thức trả nợ của người vay còn hạn chế nên xuất hiện tình trạng “rủ nhau bùng nợ”… 

Nhiều công ty lỗ nặng

Vài năm trước, cho vay tiêu dùng từng được xem là “con gà đẻ trứng vàng” của một số NH thương mại và công ty tài chính, với mức tăng trung bình trên 20% mỗi năm. Tuy nhiên, một vài năm trở lại đây, dịch bệnh, kinh tế khó khăn tác động đã khiến nhu cầu vay vốn của khách hàng sụt giảm mạnh, nợ xấu của các công ty tài chính tăng cao. Nửa đầu năm 2023, báo cáo kết quả kinh doanh của một số công ty tài chính sụt giảm mạnh, thậm chí có công ty lỗ nặng.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *