Start-up sẽ sa lầy nếu quá tập trung vào gọi vốn

Gọi vốn là hoạt động quan trọng với nhiều start-up, nhưng quá tập trung vào vấn đề gọi vốn sẽ khiến start-up mắc phải sai lầm nghiêm trọng.

Khi được hỏi về lỗi thường gặp nhất của giới khởi nghiệp, nhà đầu tư, tỷ phú người Mỹ Mark Cuban không ngần ngại trả lời rằng, đó là tập trung hoàn toàn vào gọi vốn.
Trên thực tế, trong những ngày đầu thành lập, phần lớn start-up có thể hoạt động bằng tiền vốn của đội ngũ sáng lập. Giai đoạn này, sản phẩm của start-up thường đơn giản, nên chưa đủ độ sẵn sàng để tiếp nhận một lượng vốn lớn và tiến hành mở rộng quy mô. Vì vậy, thay vì gọi vốn, start-up chỉ nên tập trung hoàn thiện sản phẩm để đáp ứng đúng nhu cầu thị trường, tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững sau này.
Theo ông Phạm Kim Hùng, nhà sáng lập Base.vn, trong 3 năm đầu tiên, start-up chỉ nên tập trung vào sản phẩm và không nên để ý tới bất kỳ thứ gì khác, cũng đừng quan tâm người khác nghĩ gì. Một sản phẩm tốt không phải là thứ có thể tạo ra trong ngày một, ngày hai, mà nó được tạo ra từ nhiều năm liền bạn phải kiên trì và học hỏi từ những trải nghiệm nhỏ nhất của khách hàng.
“Tôi tin, phần lớn start-up không thành công vì họ thiếu tập trung vào việc tạo ra các sản phẩm tốt”, ông Hùng nhấn mạnh.
Ngoài ra, dù vốn rất cần thiết cho start-up, nhưng ở chiều ngược lại, các nhà đầu tư bên ngoài cũng có thể gây áp lực để đội ngũ sáng lập nhanh chóng tạo ra lợi nhuận trước mắt hơn là tập trung vào mục tiêu phát triển lành mạnh trong thời gian dài. Nếu chú trọng quá mức vào vấn đề gọi vốn, start-up có thể thiếu sự tỉnh táo khi lựa chọn quỹ đầu tư hay nhà đầu tư phù hợp, dẫn đến sự xung đột lợi ích từ cả hai phía.
Có thể thấy rõ điều này khi nhìn vào trường hợp của The Kafe – “ngôi sao khởi nghiệp” một thời với lượng vốn nhận được lên tới 5,5 triệu USD trong năm 2015. Dù được rót nguồn vốn lớn, nhưng sau một thời gian phát triển, The Kafe phải đóng cửa vì một trong những nguyên nhân đến từ mâu thuẫn giữa nhà sáng lập Đào Chi Anh và phía quỹ ngoại.
Bản thân Đào Chi Anh cũng từng chia sẻ trong tiếc nuối rằng: “Nếu được quay lại, tôi sẽ mạnh mẽ hơn trong lúc đàm phán với nhà đầu tư, sẽ quyết liệt hơn trong việc chấp nhận hay không chấp nhận chỉ tiêu họ áp đặt cho mình”, “những chỉ tiêu đó, tôi cũng đạt được và đã có trả giá. Những cái giá đó không bao giờ nhìn được trong lúc mình làm, nhưng càng về sau càng hiện ra rõ hơn…”.
Ngay cả khi đã gọi nhiều vòng vốn đầu tư, start-up hoàn toàn có thể thất bại nếu không chú ý đến những điều cốt lõi của mình, đó là mô hình kinh doanh và sản phẩm. Mới đây nhất, vào đầu tháng 11, start-up kỳ lân WeWork chính thức nộp đơn xin bảo hộ phá sản, dù từng được định giá lên tới 47 tỷ USD vào thời kỳ đỉnh cao (năm 2019). Việc gọi thành công hàng loạt vòng vốn triệu USD từ các quỹ lớn cũng không cứu nổi mô hình kinh doanh vô cùng bất ổn của WeWork, start-up vốn chưa một ngày nào có lãi kể từ khi thành lập vào năm 2010 đến nay.
Vậy nên, theo giới chuyên gia, với bất kỳ vòng vốn nào, mỗi nhà sáng lập cần biết mình sẽ dùng tiền để làm gì, khi nào cần dùng tiền và lượng tiền bao nhiêu là đủ. Không nên sa đà vào gọi vốn, rồi khi có tiền lại không biết chi tiêu sao cho hợp lý, dẫn đến “lợi bất cập hại”.
“Càng gọi ít vốn càng tốt, vì khi đó, bạn không phải chia sẻ start-up của mình cho quá nhiều người. Sai lầm mọi người thường mắc phải khi họ có ý tưởng và mục tiêu khởi nghiệp là nghĩ rằng phải đi gọi vốn. Khi bạn được đầu tư, đó không phải là thành công, mà là nghĩa vụ”, tỷ phú Mark Cuban chia sẻ. Ông nhấn mạnh, chỉ có “tự lực cánh sinh” mới có thể giúp các doanh nhân đi được đường dài.