Luật sư trợ giúp pháp lý miễn phí cho người dân góp phần giảm số vụ khiếu nại, tố tụng

Chú thích ảnh
Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho biết, trách nhiệm khi thực hiện trợ giúp pháp lý miễn phí, luật sư phải tận tâm với người được trợ giúp như đối với khách hàng trong những vụ việc có thù lao.

Ngày 14/6, tại TP Hồ Chí Minh, Cơ quan truyền thông của Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã tổ chức gặp mặt chia sẻ chuyên đề nghề luật sư với cải cách tư pháp và xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.

LS Nguyễn Văn Hậu, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Cơ quan truyền thông Liên đoàn Luật sư Việt Nam (LĐLSVN) cho biết, ngoài tham gia tranh tụng trong các vụ án hình sự, dân sự, hành chính, lao động, kinh doanh thương mại… LĐLSVN còn đang góp phần rất lớn vào công tác giám sát, phản biện và thực hiện các nhiệm vụ chính trị, pháp lý được Đảng và Nhà nước giao phó. Đáng chú ý, từ năm 2015 đến nay, LĐLSVN và Ủy ban Trung ương MTTQVN đã thực hiện chương trình phối hợp trợ giúp miễn phí cho người dân tại trụ sở tiếp dân trung ương tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số địa phương.

Cụ thể, trong 6 năm qua (từ năm 2015 – 2022), đã có 1.130 lượt Luật sư tham gia vào công tác này tại Trụ sở tiếp dân Trung ương. Riêng tại Hà Nội, thường xuyên có luật sư của LĐLSVN trực mỗi ngày tại Trụ sở tiếp dân Trung ương để trợ giúp pháp lý miễn phí cho người dân. Có các thời điểm, hơn 600 luật sư của 6 đoàn Luật sư Hà Nội, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Bắc Giang và Hải Phòng tham gia trợ giúp pháp lý miễn phí cho người dân tại Hà Nội.

Mặt khác, LĐLSVN cũng đã tham gia giám sát, phản biện, góp ý tích cực vào công tác xây dựng pháp luật với tổng số trên 250 văn bản luật, trong đó có triển khai thi hành Hiến pháp sửa đổi và đóng góp xây dựng, triển khai thi hành các bộ luật hình sự, bộ luật thông tin hình sự và nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác. Những công tác trên đã góp phần rất tích cực trong việc giảm số vụ khiếu nại, tố cáo tại Trụ sở tiếp công dân Trung ương, đồng thời cũng giúp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân…

“Hiện nay, một trong những nghĩa vụ của Luật sư là thực hiện hoạt động trợ giúp pháp lý miễn phí theo Điều 21 Luật Luật sư. Trách nhiệm khi thực hiện trợ giúp pháp lý miễn phí, Luật sư phải tận tâm với người được trợ giúp như đối với khách hàng trong những vụ việc có thù lao. Hình thức trợ giúp pháp lý của Luật sư phải theo sự phân công của Trung tâm Tư vấn pháp luật – Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Đoàn Luật sư hoặc trưởng tổ chức hành nghề Luật sư. Luật sư thực hiện nghĩa vụ trợ giúp pháp lý miễn phí tối thiểu 4 giờ/năm”, Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho biết thêm.

Trợ giúp pháp lý cho người dân miễn phí được áp dụng với 14 đối tượng như: người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, trẻ em, người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo, người có khó khăn về tài chính (nhưng phải thuộc các đối tượng: cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ), người nhiễm chất độc da cam, người cao tuổi, người khuyết tật, người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự, nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình, nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người; người nhiễm HIV.

Các hình thức trợ giúp pháp lý của Luật sư gồm: tham gia phổ biến pháp luật, tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, bào chữa bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người có yêu cầu trợ giúp pháp lý, đại diện ngoài tố tụng cho người có yêu cầu…

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *