Bộ Công an dự thảo thông tư về quy trình tiếp nhận, phân loại, thụ lý, giải quyết khiếu nại, tố cáo

Chú thích ảnh
Bộ Công an quy định quy trình tiếp nhận, phân loại, thụ lý, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Ảnh: TTXVN

Dự thảo Thông tư này quy định quy trình tiếp nhận, phân loại, thụ lý, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự theo quy định tại Chương XXXIII Bộ luật Tố tụng hình sự thuộc thẩm quyền giải quyết của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong Công an nhân dân. Không áp dụng đối với các trường hợp khiếu nại, tố cáo quyết định, hành vi tố tụng trong việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam quy định tại khoản 1 Điều 474 và khoản 4 Điều 481 Bộ luật Tố tụng hình sự; các quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra trong Công an nhân dân đã được Viện kiểm sát phê chuẩn và các hành vi thực hiện các quyết định đó.

Việc tiếp nhận, phân loại, thụ lý và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự phải đảm bảo nguyên tắc: Cơ quan và người có thẩm quyền giải quyết trong Công an nhân dân phải chấp hành nghiêm các nguyên tắc tiếp nhận, phân loại, thụ lý và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong Tố tụng hình sự quy định tại Chương XXXIII Bộ luật Tố tụng hình sự; Chương II, Chương III Thông tư liên tịch số 02/2018/TTLT-VKSTC-TATC-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT quy định việc phối hợp thi hành một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về khiếu nại, tố cáo (sau đây viết tắt là Thông tư liên tịch số 02/2018/TTLT). Đồng thời, bảo đảm mọi khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự đều phải được tiếp nhận, phân loại, thụ lý và giải quyết kịp thời, đúng thời hạn theo quy định.

Quy trình tiếp nhận, phân loại, thụ lý và giải quyết khiếu nại được quy định cụ thể tại Chương II dự thảo, trong đó Điều 6 quy định cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có trách nhiệm tổ chức việc tiếp nhận khiếu nại, phân công cán bộ nghiên cứu, phân loại, đề xuất xử lý đơn. Trường hợp xác định là đơn khiếu nại trong tố tụng hình sự thuộc thẩm quyền giải quyết và đủ điều kiện thụ lý theo quy định của Điều 5 Thông tư liên tịch số 02/2018/TTLT thì ghi chép đầy đủ nội dung khiếu nại vào sổ thụ lý như sau: Nội dung Quyết định bị khiếu nại, hành vi tố tụng bị khiếu nại, căn cứ khiếu nại; thời gian, địa điểm diễn ra hành vi tố tụng bị khiếu nại; những người biết hoặc liên quan đến hành vi tố tụng bị khiếu nại; yêu cầu của người khiếu nại. 

Quy trình tiếp nhận, phân loại, thụ lý và giải quyết tố cáo được quy định cụ thể tại Chương III dự thảo. Tại Điều 11 quy định rõ việc tiếp nhận, phân loại, xử lý tố cáo trong tố tụng hình sự như sau:

1. Cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết tố cáo có trách nhiệm tổ chức việc tiếp nhận đơn tố cáo, lập biên bản ghi nội dung tố cáo khi người tố cáo trực tiếp đến trình bày việc tố cáo (trường hợp cần thiết có thể ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh); ghi chép đầy đủ nội dung tố cáo vào sổ thụ lý và theo dõi, giải quyết kịp thời, đúng quy định của pháp luật.

2. Khi tiếp nhận tố cáo trong tố tụng hình sự tại khoản 1 Điều này và đủ điều kiện theo quy định tại Điều 9 Thông tư liên tịch số 02/2018/TTLT thì người có thẩm quyền xử lý như sau: 

– Tố cáo Phó Thủ trưởng, Điều tra viên, Cán bộ điều tra thuộc Cơ quan điều tra thì chuyển đến Thủ trưởng Cơ quan điều tra cùng cấp của người bị tố cáo.

– Tố cáo Thủ trưởng Cơ quan điều tra; tố cáo Phó thủ trưởng, Điều tra viên, Cán bộ điều tra thuộc Cơ quan điều tra đã được Thủ trưởng Cơ quan điều tra giải quyết nhưng người tố cáo không đồng ý mà có bằng chứng mới thì chuyển đến Thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp trên trực tiếp.

– Trong thời hạn 10 ngày, người có thẩm quyền giải quyết tố cáo tiến hành kiểm tra, xác minh về họ tên, địa chỉ của người tố cáo và các nội dung khác theo quy định của pháp luật về tố cáo và quyết định việc thụ lý, giải quyết tố cáo.

3. Khi tiếp nhận tố cáo trong tố tụng hình sự không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này; tố cáo người giải quyết khiếu nại nhưng người tố cáo không cung cấp được thông tin, tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho nội dung tố cáo; tố cáo hành vi vi phạm pháp luật có dấu hiệu tội phạm; tố cáo đã được giải quyết hoặc tố cáo không đủ điều kiện thụ lý thì tùy từng trường hợp cơ quan, người tiếp nhận trả lại đơn, hướng dẫn gửi đơn hoặc chuyển đơn theo quy định tại Điều 481 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và Điều 10 Thông tư liên tịch 02/2018/TTLT.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *