Bộ Công an triển khai kết nối, ứng dụng dữ liệu phục vụ giải quyết thủ tục hành chính

Chú thích ảnh
Bộ Công an triển khai kết nối, ứng dụng dữ liệu phục vụ giải quyết thủ tục hành chính. Ảnh: TTXVN.

Trong đó, có việc đẩy mạnh kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu quốc gia, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác. Thông qua việc kết nối, chia sẻ góp phần “làm sạch” và “làm giàu” các dữ liệu, phục vụ chuyển đổi số quốc gia và phát triển kinh tế – xã hội đất nước.

Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết: Qua 6 tháng thực hiện Đề án 06 của Chính phủ đã đạt được những kết quả tích cực. Trong đó, đã tập trung triển khai kết nối, chi sẻ, ứng dụng dữ liệu phục vụ giải quyết các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Từ đầu năm 2022 đến nay đã hoàn thành, đưa 21/25 dịch vụ thiết yếu liên quan đến người dân thực hiện trên môi trường điện tử, đạt kết quả tích cực. 

Việc thực hiện các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đã mang lại nhiều tiện lợi cho người dân và doanh nghiệp. Điểm nổi bật là, Bộ Công an đã hoàn thành 11/11 dịch vụ công mức độ 3, 4. Đồng thời mở rộng thực hiện 187/227 nhóm dịch vụ công khác của lực lượng Công an nhân dân, trong đó việc cấp hộ chiếu qua mạng, phân cấp đăng ký ô tô, xe máy về cấp huyện, cấp xã được người dân đồng tình ủng hộ, đánh giá cao. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai đăng ký dự thi trực tuyến cho gần 1 triệu thí sinh (đạt tỷ lệ 93,1%), góp phần tiết kiệm chi phí rất lớn.  

Về kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các Cơ sở dữ liệu khác: Theo lộ trình Đề án 06, tính đến ngày 31/7/2022, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã triển khai kết nối chính thức đối với một số Cơ sở dữ liệu của 11 bộ, ngành (Bảo hiểm Xã hội Việt Nam; Bộ Tài chính; Bộ Giáo dục Đào tạo; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Y tế; Bộ Giao thông Vận tải; Bộ Lao động Thương binh và Xã hội; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Văn phòng Chính phủ; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Tư pháp); 4 doanh nghiệp nhà nước (Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Viettel, Vinaphone, Mobifone) và 14 địa phương (Thành phố Hà Nội; Yên Bái; Lai Châu; Ninh Bình; Lào Cai; Cao Bằng; Nghệ An; Điện Biên; Quảng Ninh; Bắc Giang; Tuyên Quang; Thừa Thiên Huế; Hải Dương; Hà Tĩnh). Đồng thời, đã triển khai kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao di động để xác thực dữ liệu người dùng, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giải quyết tình trạng sử dụng SIM rác; kết nối dữ liệu phục vụ nâng cao hiệu quả công tác quản lý người nước ngoài tại Việt Nam… 

Về vấn đề bảo đảm quyền khai thác thông tin của các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật, Trung tướng Tô Ân Xô cho biết: Căn cứ các quy định của pháp luật và chỉ đạo của Chính phủ, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhà nước được khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phục vụ giải quyết thủ tục hành chính. 

Để bảo vệ thông tin cá nhân của công dân, hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được phê duyệt hệ thống an ninh an toàn cấp độ 4 theo Nghị định số 85/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2013 của Chính phủ về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ. Bên cạnh đó, để đảm bảo quyền khai thác thông tin của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, hiện nay, Bộ Công an đang xây dựng Thông tư hướng dẫn trao đổi thông tin, dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, các bộ, ngành, địa phương (dự kiến hoàn thành trong tháng 9/2022).

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *