Trong số đó, có 49 dự án nhà ở xã hội với nhu cầu vay khoảng 24.655 tỷ đồng và 3 dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ với nhu cầu vay khoảng 1.230 tỷ đồng. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có một số dự án nhà ở xã hội tại các địa phương được giải ngân với số vốn khoảng 83 tỷ đồng trên tổng số 1.095 tỷ đồng đã ký hợp đồng vay vốn.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, đến thời điểm hiện tại, cùng với Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản, văn bản hướng dẫn dưới luật, Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia và Chương trình hỗ trợ xây dựng mới, cải tạo nhà ở cho đối tượng chính sách theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ… thì các chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân lao động tại khu công nghiệp đã tạo ra hành lang pháp lý tương đối đầy đủ, đảm bảo hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Đáng chú ý là quy định về quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đối với dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị, khu công nghiệp; quy định về lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; quy định cụ thể các cơ chế ưu đãi cho các chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; quy định về trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương liên quan đến phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân…
Nhờ các chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư, phát triển nhà ở xã hội, đến nay, cả nước đã hoàn thành 312 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng 158.000 căn với tổng diện tích hơn 8 triệu m2. Cả nước đang tiếp tục triển khai 418 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 432.400 căn với tổng diện tích khoảng 22.565.000 m2.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đánh giá, kết quả này vẫn chưa đáp ứng được mục tiêu như Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2010 – 2020 đã xác định. Bởi vậy, bước vào nhiệm kỳ 2021 – 2025, vấn đề phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp khu vực đô thị và nhà ở cho công nhân khu công nghiệp tiếp tục là mối quan tâm thường trực của Chính phủ và chính quyền các cấp.
Tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 3 Nghị định, 3 Nghị quyết liên quan đến chính sách nhà ở cho công nhân, 3 Chỉ thị giao các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện chính sách về nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; đồng thời, tổ chức 2 hội nghị toàn quốc liên quan đến chủ đề này.
Riêng trong năm 2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Cùng đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 338/QĐ-TTg ngày 03/4/2023 phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030”; trong đó đã giao các nhiệm vụ rất cụ thể cho các bộ ngành và địa phương để thực hiện.
Theo Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội”, phấn đấu đến năm 2030 tổng số căn hộ các địa phương hoàn thành khoảng 1.062.200 căn. Trong đó, giai đoạn 2021 – 2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn. Như vậy, nếu các dự án đã được cấp phép và chấp thuận chủ trương đầu tư hoàn thành đúng thời hạn thì sẽ cơ bản hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 – Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho hay.
Hiện nay, nguồn vốn ưu đãi để phát triển nhà ở xã hội đang được triển khai theo hai nguồn: Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình. Cùng đó là nguồn vốn theo Nghị quyết số 33.
Nghị quyết số 33 của Chính phủ đã đề xuất gói tín dụng 120.000 tỷ đồng để cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ vay với lãi suất trong thời gian ưu đãi. Nguồn vốn để thực hiện Chương trình từ nguồn vốn tự huy động của các ngân hàng thương mại.