Đại biểu QH nói thẳng có việc “buông lỏng quản lý” chung cư mini sai phép

Sáng 1-11, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024.

Đại biểu QH nói thẳng có việc “buông lỏng quản lý” chung cư mini sai phép - Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội Leo Thị Lịch đề nghị xử lý nghiêm các chung cư mini vi phạm

Trước ý kiến không nên siết chặt chung cư mini, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Leo Thị Lịch (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang) cho rằng việc tạo điều kiện cho người có thu nhập thấp để có chỗ ở, học tập và lao động rất là cần thiết nhưng không vì thế mà buông lỏng công tác quản lý Nhà nước về xây dựng cơ sở hạ tầng và quản lý đô thị ở khu nhà ở, nhà trọ và khu chung cư và không bảo đảm an toàn.

ĐB Leo Thị Lịch nêu ví dụ về chung cư mini của ông Nghiêm Quang Minh (chủ chung cư mini xảy ra cháy làm 56 người tử vong ở quận Thanh Xuân, TP Hà Nội), chung cư mini này được cấp phép 6 tầng nhưng xây đến 9 tầng. Ông Nghiêm Quang Minh có tới 8 căn chung cư mini như vậy và đã tồn tại cả chục năm qua. ĐB Leo Thị Lịch cho rằng những chung cư mini này rất nguy hiểm và “rõ ràng có sự buông lỏng quản lý”, “biết nhưng không xử lý là kẽ hở trong công tác quản lý Nhà nước”. Vì vậy, những ngôi nhà như thế này cần phải được xử lý nghiêm khắc, nghiêm minh.

Liên quan đến phòng cháy chữa cháy, ĐB Leo Thị Lịch cho biết qua giám sát đối với 65 cơ sở cho thuê ở 1 quận thì hầu hết đều không bảo đảm phòng cháy chữa cháy nhưng theo báo cáo của cơ quan có thẩm quyền lại cho biết không có quy định về phòng cháy chữa cháy đối với nhà riêng lẻ. Do đó, nữ ĐBQH đề nghị siết chặt quản lý, làm rõ trách nhiệm của ngành chức năng và phải sửa luật trong thời gian tới.

Liên quan đến chung cư mini, ĐB Nguyễn Thị Thủy (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn) cho rằng thực trạng quy định pháp luật hiện hành về loại hình nhà ở này rất lỏng lẻo, trong đó khoản 2 Điều 46 của Luật Nhà ở hiện hành có dành một khổ để mô tả về loại hình nhà ở này, nhưng không rõ về tiêu chuẩn, về quy chuẩn cũng như về yêu cầu quản lý, thậm chí định danh cũng không thực sự rõ ràng. Trong khi đó, cả xã hội gọi sản phẩm này là chung cư mini, một thuật ngữ không có trong luật. Chính vì quy định lỏng lẻo như vậy dẫn đến thiếu hành lang pháp lý phù hợp, gây lúng túng trong quản lý, gây áp lực cho hạ tầng đô thị và đặc biệt tiềm ẩn nguy cơ cao đối với sự an toàn của người dân.

Đại biểu QH nói thẳng có việc “buông lỏng quản lý” chung cư mini sai phép - Ảnh 3.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy phát biểu

Theo ĐB Nguyễn Thị Thủy, cần phải khẳng định sự ra đời của các chung cư mini thời gian vừa qua đã đáp ứng nhu cầu của nhiều người dân có mức thu nhập trung bình thấp. Mặc dù khi mua các căn hộ này, người dân cũng cảm nhận được nguy cơ mất an toàn nhưng tin rằng là điều đó sẽ không xảy ra và điều này càng cho thấy thị trường đang thiếu trầm trọng sản phẩm nhà ở giá bình dân phù hợp với nhu cầu, túi tiền của phần đông người lao động.

Nữ ĐBQH thể hiện sự thống nhất rất cao với ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định nhu cầu thực tế của người dân cần phải được bảo đảm nhưng dứt khoát không hợp thức hóa những sai phạm của chung cư mini trong Luật Nhà ở.

ĐB Nguyễn Thị Thủy kiến nghị Chính phủ tiếp tục triển khai những giải pháp ưu đãi để khơi thông nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá bình dân. Chính phủ chỉ đạo các cơ quan đang tiến hành thanh tra, kiểm tra các chung cư mini bên cạnh việc kiểm tra để phát hiện vi phạm là cần thiết nhưng qua kiểm tra cũng cần phải hướng dẫn kịp thời cho người dân để có giải pháp phòng ngừa an toàn cháy nổ; đồng thời kiến nghị trong nghị quyết của kỳ họp Quốc hội lần này có nội dung yêu cầu về bảo đảm an toàn cháy nổ nói chung trong đó có an toàn cháy nổ đối với các chung cư mini đang hiện hữu.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *