Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng 2-11, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội (QH) thảo luận ở hội trường về đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025.
Trạm thu phí BOT Bắc Giang – Lạng Sơn
Đại biểu Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang) cho rằng những kết quả tích cực của kế hoạch đầu tư công trung hạn là động lực chính thúc đẩy, giữ nhịp cho tăng trưởng 2023 và mở ra không gian tăng trưởng mới.
Nêu ý kiến với Chính phủ, đại biểu Thịnh cho rằng thành phần kinh tế nhà nước cần là nhà đầu tư chính cho các hạ tầng giao thông chiến lược bởi có lợi thế tuyệt đối so với nhà đầu tư khác về thời hạn thu hồi vốn đối với dự án đầu tư.
Thông thường, chủ doanh nghiệp kinh tế tư nhân khi ra quyết định đầu tư thường chỉ tính thu hồi vốn trong khoảng 10 năm, cá biệt có thể lên đến 20-25 năm. Tuy nhiên, đối với nhà nước thì thời gian thu hồi vốn có thể lên đến 50, thậm chí 70-100 năm. Đây là một lợi thế tuyệt đối trong đầu tư.
Lợi ích đem lại của các dự án hạ tầng chiến lược về giao thông là lợi ích tổng hợp, đa mục đích, cả kinh tế, xã hội, thậm chí cả quốc phòng, an ninh và chính trị, chứ không chỉ đơn thuần lợi ích về kinh tế.
Đại biểu phân tích với công nghệ thu phí như hiện nay, việc quản lý nguồn thu từ khai thác các dự án giao thông chiến lược như đường cao tốc, cầu, cảng biển, cảng hàng không, đều dễ dàng được thực hiện và giám sát chặt chẽ. Vì vậy, thành phần kinh tế nhà nước quản lý sẽ không gặp phải thất thoát.
Theo đại biểu Phạm Văn Thịnh, các nghiên cứu mới nhất về các nền kinh tế phát triển đều cho thấy vai trò của kinh tế nhà nước tại các quốc gia này ngày càng quan trọng và mở rộng, thực hiện đúng vai trò dẫn dắt và sửa chữa các khuyết tật của kinh tế thị trường.
Từ phân tích trên, đại biểu đề xuất với Chính phủ cần có giải pháp để đột phá phát huy vai trò của thành phần kinh tế nhà nước là nhà đầu tư các dự án hạ tầng giao thông chiến lược, cũng như quản lý, vận hành, khai thác các dự án này.
“Mà bắt đầu với tinh thần này thì việc nhà nước mua lại các dự án BOT đường bộ cao tốc, cầu đường bộ của nhà đầu tư tư nhân hiện đang bị lỗ, không cân đối được phương án tài chính của dự án là phù hợp”- ông Thịnh nói.
Đại biểu Phạm Văn Thịnh nêu ví dụ cụ thể tại dự án BOT cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn, thu phí từ tháng 2-2020 đến nay mới đạt khoảng 30% phương án tài chính. Mức phí đối với xe ôtô thấp nhất 2.000 đồng/km; cao nhất là container 7.200 đồng/km, với chiều dài 64 km, chi phí bỏ ra là 128 – 461.000 đồng, thời gian thu phí 17 năm (từ 2020-2037).
Dùi đây là tuyến giao thông huyết mạch nhưng phương tiện đi rất ít, lý do là mức phí quá cao, trong khi tuyến quốc lộ 1 chạy song song không thu phí.
“Nếu nhà nước mua lại dự án này, giảm mức phí xuống còn 30%, chắc chắn tuyến đường sẽ được sử dụng hiệu quả, doanh nghiệp chủ đầu tư dự án thoát được thảm cảnh lỗ kéo dài, nhà nước chắc chắn không chỉ lãi mà còn nhận được nhiều lợi ích khác” – đại biểu Thịnh đề xuất.