Tại phiên thảo luận về kinh tế – xã hội sáng 2-11, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đắk Lắk) đề cập đến vấn đề doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người lao động.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đắk Lắk) phát biểu
Theo đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp luôn hướng đến mục tiêu là chăm lo cho con người, vì sự phát triển của con người. Việc thực hiện các chính sách và thụ hưởng từ các chính sách này đã được pháp luật quy định khá rõ ràng đối với người sử dụng lao động và người lao động.
Tuy nhiên, thực tiễn hiện nay cho thấy tình trạng người sử dụng lao động nợ bảo hiểm xã hội, thậm chí cố tình trốn tránh trách nhiệm trong việc trích đóng bảo hiểm xã hội, trong khi người lao động đã nộp bảo hiểm xã hội được khấu trừ hàng tháng trong bảng lương không phải là con số nhỏ.
“Nhưng khi phát sinh quyền lợi thì người lao động bị từ chối thanh toán. Ở đây có thể thấy rằng lỗi không phải là của người lao động mà người lao động lại gánh hậu quả này”- đại biểu Nguyệt nói.
Do vậy, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt đề nghị Chính phủ, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, tăng cường các biện pháp ngăn chặn, xử lý theo quy định pháp luật đối với các doanh nghiệp, người sử dụng lao động có hành vi vi phạm.
Mặt khác, cần có giải pháp bảo đảm quyền lợi liên quan đến chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động cũng như các rủi ro khi xảy ra tai nạn lao động, đau ốm, thôi việc, nghỉ việc, chuyển việc khi có đủ cơ sở xác định người lao động đã tham gia đóng đủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Phải xem đây là vấn đề mà các cơ quan quản lý nhà nước cần can thiệp, giải quyết và ưu tiên bảo vệ người lao động bằng các chính sách, bằng các quy định pháp luật.
“Không để cho người lao động phải loay hoay, tự mình đi đòi quyền lợi hết sức chính đáng của mình. Và đây cũng là giải pháp để giữ chân, gắn trách nhiệm cũng như tạo niềm tin của người lao động với chính sách bảo hiểm xã hội, ngay tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nơi mình đã công tác”- đại biểu Nguyệt đề nghị.
Báo cáo của Ủy ban Xã hội cho biết tính đến hết năm 2022, tổng số tiền chậm đóng, nợ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp và tiền lãi chậm đóng là gần 12,4 ngàn tỉ đồng (gồm nợ gốc gần 8.561 tỉ đồng và lãi chậm đóng hơn 3,4 ngàn tỉ đồng). Trong đó, chậm đóng, nợ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là hơn 12 ngàn tỉ đồng, chiếm 97,2% tổng số tiền chậm đóng, nợ đóng, tại gần 200 ngàn đơn vị, tương ứng với trên 2,6 triệu lao động bị ảnh hưởng.