Hãng hàng không đua nhau đưa máy bay lớn đến Điện Biên

Chuyến bay hiệu chuẩn tại sân bay Điện Biên Phủ đã thành công. Các tiêu chuẩn kỹ thuật đều đạt. Đây là cơ sở để tổ chức các chuyến bay thương mại vào đầu tháng 12-2023.

Sau 6 tháng đóng cửa để nâng cấp mở rộng, sân bay Điện Biên dự kiến chính thức mở cửa từ ngày 30-11 tới đây với chuyến bay thử nghiệm đầu tiên bằng dòng máy bay Airbus A321 của Vietnam Airlines.

Từ ngày 2-12, Vietnam Airlines sẽ khai thác các chuyến bay thường lệ Hà Nội – Điện Biên với tần suất 7 chuyến/tuần vào tất cả các ngày trong tuần. Chuyến bay khởi hành từ Hà Nội lúc 13 giờ 05 và đến Điện Biên lúc 14 giờ 05. Chiều về khởi hành từ Điện Biên lúc 14 giờ 45, hạ cánh tại Hà Nội lúc 15 giờ 35.

Sân bay Điện Biên chuẩn bị đi vào hoạt động trở lại với đường băng dài 2.400 m, đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật cho các loại máy bay hiện đại. Vietnam Airlines sẽ khai thác đường bay Điện Biên bằng máy bay Airbus A321. Đây là dòng máy bay được Hãng sử dụng để khai thác trên các đường bay khu vực châu Á và các đường bay nội địa. Đội máy bay A321 của Vietnam Airlines có 3 loại cấu hình 178 ghế, 184 ghế và 203 ghế.

Dịp này, Vietnam Airlines triển khai giá vé khứ hồi ưu đãi (đã bao gồm thuế phí) từ Hà Nội đi Điện Biên hạng Phổ thông chỉ từ 725.000 đồng và hạng Thương gia chỉ từ 1.909.000 đồng. Vé được mở bán từ nay đến hết ngày 28-12-2023, áp dụng cho các chuyến bay khởi hành từ ngày 2-12 đến hết ngày 28-12-2023.

Còn Vietjet đã mở bán vé đường bay thẳng giữa TP HCM và Điện Biên, đường bay dự kiến khai trương từ ngày 2-12 với 3 chuyến mỗi tuần vào các ngày thứ Ba, thứ Năm và thứ Bảy hàng tuần. Chuyến bay khởi hành từ TP HCM lúc 7 giờ 10 và đến Điện Biên lúc 9 giờ 10. Chiều về khởi hành từ Điện Biên lúc 9 giờ 45, hạ cánh tại TP HCM lúc 12 giờ.

Trước khi nâng cấp, mở rộng, sân bay Điện Biên có 1 đường cất hạ cánh kích thước 1.830 m x 30 m, chỉ đảm bảo khai thác máy bay ATR72 , Embraer-190 và tương đương vào ban ngày, trong điều kiện thời tiết cho phép.

Dự án nâng cấp mở rộng Cảng hàng không Điện Biên được khởi công từ tháng 1-2022, có tổng mức đầu tư 1.467,7 tỉ đồng, từ nguồn vốn của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV). Dự án xây dựng đường cất hạ cánh kích thước 2.400 m x 45 m, sân quay 2 đầu, đảm bảo khai thác máy bay A320/A321 hoặc tương đương… Nhà ga hành khách được thiết kế gồm 2 tầng, có thể đón 500 ngàn khách/năm.

Ngoài ra, tại đây cũng có các dự án do Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) làm chủ đầu tư gồm: Dự án Đài kiểm soát không lưu có tổng mức đầu tư 93,03 tỉ đồng; Dự án đầu tư hệ thống quan trắc khí tượng tự động AWOS có tổng mức đầu tư 17,6 tỉ đồng; Dự án đài dẫn đường DVOR/DME có tổng mức đầu 44,2 tỉ đồng.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng vừa có chỉ đạo đối với ACV, VATM, yêu cầu các đơn vị quyết tâm, quyết liệt tập trung huy động mọi nguồn lực để thực hiện dự án, phấn đấu đưa sân bay Điện Biên vào khai thác trở lại đúng hẹn vào ngày 2-12-2023.

Hiện các hạng mục công trình cơ bản đáp ứng kế hoạch (đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ máy bay đạt khoảng 80% khối lượng; nhà ga hành khách và các công trình phụ trợ đạt khoảng 75% khối lượng, Đài dẫn đường DVOR/DME đã hoàn thành, Đài Kiểm soát không lưu đang đổ bê tông tầng 5, Nhà điều hành và các công trình phụ trợ đến nay cơ bản đảm bảo đáp ứng kế hoạch).

Quyền Tổng Giám đốc VATM Nguyễn Công Long vừa qua đã trực tiếp kiểm tra hiện trường thi công dự án đài kiểm soát không lưu và công tác đảm bảo sẵn sàng khai thác trở lại sân bay Điện Biên.

Ông Long yêu cầu khẩn trương chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để Cục Hàng không kiểm tra, cấp phép khai thác trở lại cho Đài Kiểm soát không lưu hiện hữu; kiểm tra, vận hành các trang thiết bị sau giai đoạn tạm dừng hoạt động, đảm bảo đầy đủ cơ cấu lực lượng lao động có mặt tại đài kiểm soát không lưu hiện hữu, sẵn sàng cho việc khai thác trở lại trước ngày 30-10.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *