Theo chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội (QH) khóa XV, sáng nay 9-11, QH thảo luận ở hội trường về việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53/2017/QH14 ngày 24-11-2017 của QH về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sân bay Long Thành; thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.
Đại biểu Nguyễn Trường Giang (đoàn Đắk Nông) phát biểu. Ảnh: Phạm Thắng
Cho ý kiến về kéo dài thời gian giải ngân vốn đầu tư công, đại biểu (ĐB) Nguyễn Trường Giang, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH, cho biết theo quy định tại Điều 68 của Luật Đầu tư công, số vốn kế hoạch của giai đoạn 2016-2020 phải được giải ngân chậm nhất đến hết ngày 31-1-2021 và số vốn kế hoạch của năm 2021 phải được giải ngân chậm nhất đến hết ngày 31-1-2022 và có thể được kéo dài đến hết ngày 31-12-2022 theo quyết định của Thủ tướng.
Đại biểu tán thành bổ sung vốn nhưng việc đề xuất kéo dài thời gian thực hiện giải ngân số vốn như Chính phủ trình chưa thực sự phù hợp với quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước; thiếu cơ sở pháp lý để QH xem xét quyết định nội dung này.
Vì vậy, ông Nguyễn Trường Giang đề nghị bổ sung số vốn còn thiếu của dự án vào Nghị quyết của QH về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024 chuẩn bị trình QH thông qua tại kỳ họp này, trên cơ sở cân đối nguồn lực trong dự toán.
ĐB Bùi Xuân Thống, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai, phát biểu
ĐB Bùi Xuân Thống, Phó trưởng Đoàn chuyên trách ĐBQH tỉnh Đồng Nai, cho biết tại khoản 1, khoản 3, Điều 1 Nghị quyết số 53 đã quy định việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư được tiến hành một lần và hoàn thành trước năm 2021. “tính tới thời điểm hiện tại, dự án đã trễ hạn gần 2 năm”.
Tuy nhiên, qua giám sát tại tỉnh, đại biểu thấy rằng cấp ủy, UBND tỉnh ủy các cấp của tỉnh đã có sự chủ động, quyết liệt trong việc triển khai các nội dung rất lớn của dự án này. Đến nay, tiến độ của dự án đạt gần 98,7%. Vì vậy, ông Thống cho rằng việc thu hồi phần diện tích còn lại không ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện giai đoạn 1 của dự án và chủ yếu việc xin kéo dài thời gian dự án là để hoàn thành các cấu phần xây dựng.
Theo ông Thống, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc chậm trễ, kéo dài dự án. Đối với tác động của giai đoạn 1 của dự án, đại biểu khẳng định hiện nay phần giai đoạn 1 gồm 2.500 ha đã được UBND tỉnh bàn giao cho Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – CTCP (ACV) để triển khai.
Đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai) cho biết cử tri và nhân dân Đồng Nai mong mỏi từng ngày dự án này được hoàn thành sớm. Về ý kiến cho rằng phần chuyển vốn chưa hợp lý, đại biểu An cho rằng theo quy định tại Điều 68 Luật Đầu tư công, những nội dung này không thuộc thẩm quyền của Thủ tướng, không quy định việc chuyển từ giai đoạn này sang giai đoạn sau, nên nếu quyết định chuyển phải qua thẩm quyền của Quốc hội. “Đặc biệt, hiện nay chúng ta đang còn khoản kết dư trong ngân sách Đồng Nai, nếu cho chuyển thì Đồng Nai có thể sử dụng được ngay mà không làm tăng dự toán của năm 2024”.
ĐB Nguyễn Hữu Toàn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của QH, tranh luận
Bấm nút tranh luận, ĐB Nguyễn Hữu Toàn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của QH, cho biết qua theo dõi nội dung thảo luận, đa phần các ý kiến đều thống nhất cần bố trí đủ vốn để dự án này hoàn thành trong năm 2024. “vấn đề khác nhau chỉ là yếu tố kỹ thuật”.
Theo ông Toàn, dự toán ngân sách năm 2021 đã được QH bấm nút quyết toán. Dự toán từ năm 2021 trở về trước đã bị hủy, Quốc hội chỉ có thể kéo dài nguồn vốn của năm 2022 chưa quyết toán trở về sau. Chính vì vậy, ông Toàn đề nghị bổ sung bố trí vào dự toán ngân sách năm 2024 để đảm bảo đủ vốn cho dự án này, đồng thời tăng bội chi tương ứng để đảm bảo giải quyết đúng quy định, tạo thuận lợi cho dự án hoàn thành.
Cũng bấm nút tranh luận, ĐB Nguyễn Trường Giang nêu rõ quan điểm là cần phải bố trí bổ sung, bố trí nguồn vốn cho dự án này. Đồng thời ông cũng nhất trí với ĐB Nguyễn Hữu Toàn về vấn đề ngân sách năm 2021 đã được QH quyết toán. “Như vậy nếu nay trình kéo dài vốn của năm 2021 là không hợp lý bởi không thể bố trí khoản mà Quốc hội đã quyết toán, đã “chốt” và không có chuyển nguồn”.
Do đó, đại biểu Giang cho rằng phải bố trí vốn vào dự toán của năm 2024 để từ đó cân đối thu chi, tính toán bội chi và sau này có quyết toán. ĐB cho rằng làm vậy để tạo vừa tạo điều kiện cho việc sau này QH quyết toán cũng như được việc giải ngân của địa phương của dự án này bố trí vào dự toán ngân sách của năm 2024.