Trường ĐH Bách khoa TP HCM cho biết vừa mở thêm 2 ngành đào tạo mới liên quan đến lĩnh vực vi mạch.
Các con chip do Trường ĐH Bách khoa thiết kế được chế tạo tại Nhà máy sản xuất chip TSMC-Đài Loan
Các môn học thiết kế vi mạch đã được tích hợp trong 3 ngành trình độ ĐH (gồm: Kỹ thuật điện tử- viễn thông, kỹ thuật viễn thông (Việt-Pháp), hệ thống mạch – phần cứng (chương trình tiên tiến)) và 1 ngành trình độ sau ĐH là Kỹ thuật điện tử – kỹ thuật viễn thông. Tất cả đều thuộc Khoa Điện – Điện tử.
Trước nhu cầu cấp thiết về nhân lực vi mạch cũng như trên cơ sở tận dụng lợi thế đã có suốt hơn 20 năm ở lĩnh vực này, trường tiếp tục phát triển 2 ngành đào tạo: Thiết kế vi mạch (bậc ĐH) và Vi mạch bán dẫn (bậc sau ĐH) với mã ngành mới. Việc này hoàn toàn phù hợp với xu hướng chung của thế giới cũng như với các chủ trương, chính sách của ĐHQG TP HCM, TP HCM và Chính phủ về phát triển nền công nghiệp vi mạch.
Hai chương trình đào tạo này sẽ được đưa vào vận hành ngay trong năm học 2023-2024 thông qua việc phân ngành sinh viên đang học năm hai và chính thức tuyển sinh với mã ngành mới trong năm học 2024-2025.
Theo cơ sở dữ liệu về đào tạo, Trường ĐH Bách khoa mỗi năm cung cấp khoảng 300 sinh viên có liên quan đến vi mạch. Trong khi đó, Việt Nam đang cần khoảng hơn 1.000 kỹ sư vi mạch mỗi năm.
PGS-TS Mai Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa TP HCM, cho biết trong chuỗi cung ứng vi mạch bán dẫn gồm thiết kế, sản xuất, đóng gói – kiểm tra và chế tạo thiết bị, Việt Nam hiện có lợi thế để tham gia sâu vào khâu thiết kế vốn chiếm 53% giá trị gia tăng của một sản phẩm vi mạch.
“Hiện nay, có khá nhiều công ty thiết kế vi mạch lớn trên thế giới đã có mặt ở Việt Nam, tạo ra cơn khát nguồn nhân lực chất lượng cao. Muốn phát triển công nghệ vi mạch bằng chính nội lực trong nước thì bài toán đầu tiên phải đào tạo nhân lực và có chiến lược cụ thể ở tầm quốc gia.”-PGS Phong nhấn mạnh.