VIDEO: Đại biểu QH đề xuất “Việt Nam phát triển ngành hạt nhân nguyên tử”

Ngày 1-11, phát biểu tại phiên thảo luận kinh tế-xã hội, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trịnh Thị Tú Anh (Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng) cho biết ngành hạt nhân nguyên tử của Việt Nam được hình thành từ Viện nghiên cứu hạt nhân với lò phản ứng hạt nhân ở Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) từ năm 1976 và phát triển lớn mạnh, ngày càng đóng góp nhiều hơn cho khoa học công nghệ và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh đề xuất phát triển ngành hạt nhân nguyên tử

Theo ĐB Trịnh Thị Tú Anh, lò hạt nhân Đà Lạt và các đơn vị có liên quan đã cung cấp dược chất phóng xạ nhằm chẩn đoán và điều trị ung thư. Đặc biệt, bảo đảm 100% nhu cầu dược chất phóng xạ trong giai đoạn COVID-19. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, khi có sự gián đoạn của chuỗi cung ứng dược chất phóng xạ, làm suy giảm số lượng và chất lượng chẩn đoán và điều trị ung thư trên thế giới thì các trung tâm y học hạt nhân của Việt Nam vẫn là những ốc đảo yên bình, góp phần chữa trị cho hàng vạn bệnh nhân trên đất nước Việt Nam.

“Hàng năm có hơn 500.000 bệnh nhân tại Việt Nam đã được chẩn đoán điều trị bằng dược chất phóng xạ. Đồng thời, xuất khẩu dược chất phóng xạ sang Campuchia. Tư vấn hình thành khoa y học hạt nhân tại Lào, là những lĩnh vực mà nước bạn rất cần. Thời gian vận hành lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt an toàn tuyệt đối. Từ 1.300 giờ/năm giai đoạn trước năm 2020 đã tăng lên 4.500 giờ/năm giai đoạn 2020-2022 và trên 5.000 giờ/năm giai đoạn 2023” – ĐB Trịnh Thị Tú Anh nói.

Theo ĐB Trịnh Thị Tú Anh, kỹ thuật hạt nhân đã được sử dụng để chọn tạo giống, nhiều giống lúa, đậu tương đã được phát triển, trong đó có cả giống lúa ST25. Đồng thời, kỹ thuật chiếu xạ được phục vụ phát triển chiếu xạ, kiểm dịch và hỗ trợ xuất khẩu.

Ngoài ra, kỹ thuật hạt nhân đã được sử dụng ngày càng nhiều trong các lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là kỹ thuật đánh dấu đồng vị phóng xạ trong điều tra, thăm dò và khai thác dầu khí đã được triển khai có hiệu quả tại các mỏ ở Việt Nam, như: Rồng, Bạch Hổ, Sư tử đen, Sư tử trắng, Rạng Đông… Đồng thời, kỹ thuật này đã tham gia đấu thầu thành công và triển khai rộng rãi tại các nước có nền công nghiệp dầu khí phát triển như: Cô-oét, các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất.

Với nhiều tiềm năng, ĐB Trịnh Thị Tú Anh đề xuất Đảng, Quốc hội, Chính phủ có định hướng và chủ trương để phát triển một ngành hạt nhân nguyên tử mạnh, bao gồm công nghệ lò phản ứng và các ứng dụng công nghệ khai thác thác và chế biến sâu đất hiếm góp phần phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; có chính sách đặc thù để đào tạo nguồn nhân lực hạt nhân, đặc biệt là đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học đầu ngành cho lĩnh vực hạt nhân nguyên tử.

Đồng thời, tập trung ưu tiên đốc thúc thực hiện thành công dự án Trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân với lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu mới có công suất 10 MW thay thế cho lò Đà Lạt hiện nay đã cũ và công suất thấp, cũng là dự án trọng điểm trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nga giai đoạn 2018-2030.

Hiện nay, dự án này đang chuẩn bị ký hợp đồng nghiên cứu khả thi và hồ sơ địa điểm tại Đồng Nai với mức đầu tư 7.996 tỉ đồng. Tháng 3-2023, dự án đã lựa chọn nhà thầu lần 2 và hiện tại đang đàm phán hợp đồng lập báo cáo nghiên cứu khả thi và hồ sơ địa điểm. “Tôi xin lưu ý đây là dự án phát triển lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu đa mục tiêu nhằm ứng dụng bức xạ và sản xuất đồng vị phóng xạ, không phải là dự án nhà máy điện hạt nhân” – ĐB Trịnh Thị Tú Anh nói.

ĐB Trịnh Thị Tú Anh cũng đề nghị nghiên cứu xây dựng một trung tâm y học hạt nhân của khu vực Đông Nam Á sau khi có lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu mới. Nữ ĐBQH cho hay theo thông tin của cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế, trong 11 quốc gia Đông Nam Á có 4 quốc gia đứng đầu về sản xuất đồng vị phóng xạ dùng lò phản ứng trong chẩn đoán và điều trị ung thư, gồm: Việt Nam, Indonesia, Malaysia và Thái Lan.

Các quốc gia còn lại hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn dược chất phóng xạ nhập khẩu dài hạn, trong đó Việt Nam đứng đầu về trình độ và sản lượng sản xuất đồng vị phóng xạ. Trong khi về mặt thiết bị, Việt Nam chỉ đứng thứ ba sau Thái Lan và Indonesia. Việc thành lập Trung tâm y học hạt nhân của khu vực Đông Nam Á có ý nghĩa và có tính khả thi cao.

Ngoài ra, ĐB Trịnh Thị Tú Anh đề nghị nghiên cứu phát triển máy gia tốc lớn tại phía Bắc để tập hợp đội ngũ các nhà khoa học của các viện nghiên cứu lớn, các trường đại học, các công ty lớn tại miền Bắc. Máy gia tốc có thể đặt tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, khi đó phía Nam có lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu mới, phía Bắc có máy gia tốc lớn, là cơ cấu tối ưu cho ngành hạt nhân nguyên tử của Việt Nam phát triển lên tầm cao mới.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *