Ngày 6-11, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TP Thủ Đức về công tác giải ngân vốn đầu tư công. Cùng dự buổi làm việc có Phó Chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường.
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TP Thủ Đức về công tác giải ngân vốn đầu tư công.
Tại buổi làm việc, ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, cho hay tổng vốn đầu tư công trên địa bàn TP Thủ Đức năm 2023 là 9.460 tỉ đồng, với 128 dự án. Đến nay, tổng giá trị giải ngân là hơn 6.522 tỉ đồng (đạt 69%).
Đối với nguồn vốn được UBND TP HCM giao cho TP Thủ Đức năm 2023 thì nguồn vốn bố trí thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án là 2.145/2.475 tỉ đồng (chiếm 86,6%).
Hiện nay, công tác đo đạc, kiểm đếm và xác minh nguồn gốc đất cơ bản hoàn thành. Trong tháng 10-2023, UBND TP Thủ Đức đã duyệt hệ số điều chỉnh giá đất đối với 3 dự án có tổng vốn 1.881 tỉ đồng, trong đó dự án xây dựng nút giao thông Mỹ Thủy là 1.410 tỉ đồng, 2 đoạn đường Lã Xuân Oai (190 tỉ đồng và 281 tỉ đồng).
Ông Hoàng Tùng cho hay sau khi giải ngân được 3 dự án trên thì TP Thủ Đức sẽ đạt hơn 2.375/2.476 tỉ đồng (đạt 96%). Như vậy, dự kiến tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công sẽ đạt trên 95% theo kế hoạch đề ra.
Ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, cho rằng công tác bồi thường giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, nhất là trường hợp đất nông nghiệp giá bồi thường thấp nên người dân không đồng ý.
Theo Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, việc bồi thường giải phóng mặt bằng tới người dân gặp nhiều khó khăn chứ không đơn giản. Tuy vậy, gần đây, trong nhân dân đã có sự đồng thuận rất cao về giá bồi thường.
Ông Hoàng Tùng dẫn chứng những người dân có đất ở thì cơ bản đồng thuận, đa phần được hưởng lợi từ con đường mới mở, mọi thứ đều tốt hơn. Tuy nhiên, việc chênh lệch tiền bồi thường giữa đất nông nghiệp và đất ở nhiều người không đồng thuận. Ông Hoàng Tùng đề nghị có chuyên đề riêng về giá bồi thường đất nông nghiệp.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh giải ngân đầu tư công tại TP Thủ Đức liên quan rất lớn đến các ban của TP HCM và thúc đẩy công trình của thành phố. Vì vậy, ông yêu cầu Thủ Đức là đơn vị tiên phong, về đích sớm và trước về đầu tư công trong khối các quận, huyện.
“Chúng ta phải đặt ra nền tảng để TP Thủ Đức tăng tốc, bứt phá rõ nét, đi trước và đi xa để cùng kéo toa tàu của TP HCM phát triển” – ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
UBND TP Thủ Đức vừa tổ chức lễ bàn giao mặt bằng để chủ đầu tư thi công cầu Tăng Long sau 4 năm tạm ngưng vì vướng mắc trong bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Theo ông Phan Văn Mãi, TP Thủ Đức có 113 dự án với tổng vốn đầu tư là hơn 2.475 tỉ đồng, trong đó 31 dự án giải ngân đạt 100%, 9 dự án giải ngân đạt trên 90%. Tuy nhiên, những dự án này quy mô và tổng vốn chưa lớn. Số dự án có mức đầu tư trên 20 tỉ đồng (tổng vốn là 2.272 tỉ đồng) chiếm hơn 91% thì đây là nhóm cần tập trung để tháo gỡ, thúc đẩy và thực hiện đạt mục tiêu giải ngân vốn.
Chủ tịch UBND TP HCM nhấn mạnh công tác phối hợp giải ngân vốn đầu tư công với tinh thần: “Không để đầu năm thủng thẳng, cuối năm khẩn trương và lúc nào cũng bị rượt đuổi tỉ lệ giải ngân đầu tư công”.
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi đề nghị TP Thủ Đức chuẩn bị tốt cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng cho các dự án lớn chuẩn bị đầu tư như Vành đai 2, nâng cấp Quốc lộ 13, đường nối cao tốc TP HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành…
Liên quan vốn bồi thường giải phóng mặt bằng, ông Phan Văn Mãi đề nghị TP Thủ Đức phối hợp cùng Sở Tài nguyên – Môi trường nhanh chóng tổng hợp, đề xuất việc đo đạc, khảo sát, xác minh pháp lý, lập phương án bồi thường các dự án.
“Trong đó, xác định việc nào làm, làm song song… trên cơ sở nghiên cứu các quy định pháp luật, nghị quyết 98/2023 của Quốc hội và vận dụng kinh nghiệm” – ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
Ông Phan Văn Mãi cũng đề nghị song song hình thành các cơ quan của TP Thủ Đức theo Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội thì tiếp tục củng cố bộ máy, xử lý bất cập trong bồi thường giải phóng mặt bằng. Trong đó, TP Thủ Đức cần thống nhất quy trình nghiệp vụ bồi thường giải phóng mặt bằng, đồng bộ như cẩm nang và tổ chức tập huấn cho cả cơ quan phối hợp và các phường.
Đối với vốn do các ban trực thuộc UBND TP HCM làm chủ đầu tư, hiện lũy kế giải ngân các dự án là 6.027/6.989,76 tỉ đồng (đạt 86,2%). Trong thời gian tới, sau khi giải ngân dự án Khu Công nghệ cao (250 tỉ đồng), nút giao An Phú (200 tỉ đồng) và các chủ đầu tư thực hiện điều hòa vốn, tỉ lệ giải ngân sẽ đạt trên 95%.